Việc làm như một giấc mơ

Vài năm sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và bươn chải tìm việc, Ngô Thị Oanh (ở Thường Tín – Hà Nội) được tuyển vào làm việc ở một vài tổ chức phi chính phủ nước ngoài dưới dạng hợp đồng ngắn hạn để giúp đỡ những người khuyết tật khác. Thế nhưng, các dự án này đã kết thúc từ năm 2008, khiến chị lại rơi vào tình trạng thất nghiệp. Sau 4 năm tìm việc mới nhưng đều vô vọng, chị chán nản và quyết định trở về sống dựa vào bố mẹ già.

Mặc dù sở hữu một nền tảng giáo dục vững chắc, người phụ nữ 38 tuổi này không thể chịu đựng được những cái nhìn phân biệt đối xử của các nhà tuyển dụng, chỉ vì chị gặp khó khăn trong việc đi lại do căn bệnh bại não mà chị mắc từ bé.

khuyet-tat3.jpg
Một cuộc hội thảo về người khuyết tật

“Mình luôn phải gọi điện hỏi trước xem họ có tuyển người khuyết tật không và họ nói là có. Thế nhưng khi cầm hồ sơ đến nộp, họ nhìn mình như người hành tinh khác, có nơi còn không cho mình vào”, chị Oanh chia sẻ. Theo chị Oanh, việc làm dường như là một giấc mơ quá sức đối với người khuyết tật  mặc dù họ vẫn có khả năng làm việc.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Việt Nam mất khoảng 3% GDP mỗi năm do thị trường lao động hạn chế tiếp nhận người khuyết tật. ILO hiện đang hợp tác với tổ chức Irish Aid, nhằm tăng cường khả năng việc làm cho nhóm lao động yếu thế này trong khuôn khổ dự án hơn 250.000 USD thực hiện trong năm 2012-2013.

Chuyên gia đầu ngành về khuyết tật của ILO tại Geneva, bà Barbara Muray, cho biết: “Rất cần phải rỡ bỏ mọi rào cản đối với người khuyết tật. Điều đó không chỉ giúp ích cho họ và gia đình mà còn mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội”.

Theo bà Murray, người khuyết tật luôn cố gắng thể hiện khát vọng làm việc và năng lực làm việc, để đóng góp một cách hiệu quả cho thị trường lao động. Thế nhưng, rất nhiều người trong số họ gặp rào cản và không thể thực hiện được điều này, khiến họ rơi vào tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm.

Ở Việt Nam, rất ít người khuyết tật có việc làm và thu nhập ổn định. Nhiều người vẫn phải làm những công việc phi chính thức. So với các nhóm lao động khác, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm khuyết tật lên tới 30%. “Đây quả thật là một sự lãng phí nguồn lực”- bà Murray nhận định.

Người khuyết tật mong được xã hội trao niềm tin

Việc người khuyết tật bị hạn chế tham gia thị trường lao động khiến cuộc sống của họ và gia đình rất khó khăn. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009, cứ 4 gia đình có người khuyết tật, 1 gia đình sống dưới mức nghèo khổ.

Theo anh Nguyễn Tuấn Linh, một người khiếm thính 37 tuổi, với Luật Người khuyết tật, Nhà nước chủ trương giúp đỡ và tạo điều kiện để họ có thể hòa nhập cộng đồng và xã hội, nhưng địa phương và cấp dưới lại chưa quán triệt, dẫn đến nghĩ khác và làm khác.

Anh Linh cho rằng chính những hạn chế về tiếp cận giáo dục và đào tạo đã khiến người khuyết tật khó tìm việc. Là người khiếm thính duy nhất ở phía Bắc có bằng cao đẳng sư phạm, người đàn ông quê Hải Phòng này hiện đang là giáo viên cho các học sinh điếc lớp 7 và lớp 8 tại trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Nhưng theo anh Linh “quá trình học tập thực sự vất vả, bởi những người bình thường cố gắng 1 thì chúng tôi phải cố gắng gấp 3 đến 5 lần”. Anh tốt nghiệp THPT năm 26 tuổi và mới nhận bằng cao đẳng tháng 8/2012.

Anh Tú - một người khuyết tật vươn lên làm chủ CNTT

Phó Chủ tịch Hội Người điếc Hà Nội Vũ Thùy Linh khuyến nghị, cần phát triển chương trình riêng và học liệu cho trẻ em khuyết tật, giúp các em có thể sớm bắt đầu tiếp cận với giáo dục và phát triển kịp với các em nhỏ bình thường. Bởi theo Quỹ dân số LHQ, tỷ lệ biết chữ của người khuyết tật Việt Nam chỉ ở mức 73% ở khu vực thành thị và 63% ở khu vực nông thôn, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung của toàn quốc (95%).

Theo chuyên gia của ILO, để giúp người khuyết tật ở Việt Nam có thêm nhiều việc làm tốt hơn, cần thực hiện đồng thời nhiều biện pháp. Bước quan trọng đầu tiên là phải đưa ra pháp luật và chính sách ủng hộ các cơ hội việc làm cho người khuyết tật và các chính sách đó phải được thực hiện hiệu quả.

Theo bà Murray, người khuyết tật cần được đào tạo các kỹ năng mà thị trường lao động đòi hỏi và cần được hỗ trợ khi tìm việc. Trong khi đó, cần khuyến khích chủ lao động tạo cơ hội và môi trường làm việc để người khuyết tật có thể có và làm được việc.

Với chị Oanh và anh Linh, điều quan trọng nhất với những người khuyết tật chính là được xã hội tin tưởng và tạo cơ hội./.

Nhân Ngày Người khuyết tật Quốc tế 3/12, ILO, Đại sứ quán Ireland và tổ chức Irish AIDS công bố tài trợ 6 học bổng nghiên cứu, trị giá gần 6.000 USD cho sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội. Các suất học bổng này sẽ hỗ trợ các nghiên cứu đại học và sau đại học về Luật Người khuyết tật và việc thực hiện luật từ năm 2013.

ILO và các đối tác đồng thời cũng đã hỗ trợ việc giảng dạy Luật này từ đầu năm 2012 và sẽ tiếp tục công việc này trong năm tới với tổng trị giá 10.000 USD.