Tình thương và sự sẻ chia
Năm 2005, trở về quê nhà, có dịp tiếp xúc và chứng kiến cuộc sống của những người khuyết tật, đặc biệt là các em nhỏ còn gặp nhiều khó khăn, bà Luyến Shell (kiều bào Mỹ) hiểu những thiệt thòi của các em và muốn làm gì đó để giúp những không may mắn có được việc làm phù hợp, tự tin hòa nhập vào đời thường.
Bản thân có người em gái bị khiếm thị và mất lúc 15 tuổi càng thôi thúc bà Luyến Shell thực hiện điều này. Thế nhưng phải 4 năm sau đó, năm 2009 bà mới có điều kiện mở hiệu bánh Donkey Bakery và tiếp là hiệu may Lshelltại phố Nguyễn Hoàng Tôn, quận Tây Hồ (Hà Nội) để dạy nghề, tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật.
Sau hơn 30 năm xa quê, bà Luyến quyết định về nước sinh sống vì vừa muốn cậu con trai 18 tuổi biết về phong tục tập quán quê hương, lại vừa muốn có nhiều thời gian để hướng dẫn các em khuyết tật tạo dựng cuộc sống tự lập cho mình.
Thời gian đầu mở cửa hàng bà đã gặp không ít khó khăn. Nhiều người cho rằng, bà là người liều lĩnh vì dạy nghề cho người lành lặn đã khó, đằng này lại là người khuyết tật. Nhưng bằng tình thương, sự quan tâm đối với những người không may mắn, nhất là người khiếm thị đã tìm đến học nghề, bà Luyến đã kiên nhẫn truyền nhiệt huyết và những kinh nghiệm làm nghề cho các em. Bà tự tìm phương pháp riêng để giúp các em hiểu một cách bài bản và hệ thống thông qua hình ảnh, cử chỉ… Không chỉ là người thầy, bà còn như người mẹ, dạy các em biết ứng xử, giao tiếp và phục vụ để khách hàng một lần tới cửa hàng có cảm tình và sẽ quay lại. Bà còn dạy các em những kỹ năng sống sao cho lành mạnh, bình yên trong tâm hồn.
|
Nhân viên của Donkey Bakery đang làm bánh. (Ảnh: ĐVO) |
Bà cho rằng, thói quen lâu nay của những người khuyết tật ở ta là hay giấu diếm mặc cảm. Đó lại là thiệt thòi cho họ. Vì thế bà muốn kéo người khuyết tật ra khỏi quan niệm đó và muốn chứng minh xã hội rằng, người khuyết tật có khả năng làm được những công việc có ích và xã hội phải có trách nhiệm giúp đỡ họ. “Tôi muốn tạo niềm tin cho các em. Các em đến với tôi là để làm việc và cống hiến cho xã hội, chứ không phải sống bằng lòng thương hại của người khác” – bà tâm sự.
Rất may, những thành viên trong đại gia đình của bà đều chăm chỉ và cần cù nên giờ mọi công việc của cửa hàng đã tương đối ổn định. Bà cho rằng mình và cả đại gia đình gặp may mắn, nhận được sự giúp đỡ của nhiều người. Với sự giúp đỡ đặc biệt của ông Marc Stenfert Kroese – một người bạn người Mỹ cùng chung vốn mở cửa hàng và nhờ kinh nghiệm sống ở nước ngoài và Việt Nam, cũng như tâm huyết với các em, bà đã giành được khá nhiều hợp đồng lớn, vẫn có những đơn đặt hàng xuất đi số lượng lớn sản phẩm may mặc của các em.
Hiệu bánh Donkey Bakery cũng nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ các Đại sứ quán và mọi người. Họ đã động viên các em rất nhiều. Đã có một nghệ nhân làm bánh mỳ người Đức tuy ở tuổi 75 nhưng nhiệt tình sang truyền nghề cho các em khuyết tật ở đây. Vượt qua rào cản về ngôn ngữ, khiếm khuyết của cơ thể, bằng thiện chí và tâm huyết, chuyên gia này đã hết lòng truyền đạt kinh nghiệm cho các em.
Ngôi nhà may mắn và hạnh phúc của người khuyết tật
Ở Donkey Bakery và hiệu may Lshell có tới 80% người khiếm thị, khiếm thính, khuyết tật vận động và hoàn cảnh khó khăn. Hiện doanh nghiệp có 25 nhân viên thêu, may và có từ 16 đến 20 nhân viên làm ở tiệm bánh. Tuy người khuyết tật ở đây chiếm tới 4/5 tổng số nhân viên nhưng họ đang đảm đương hầu hết các vị trí từ quản lý đến nhân viên.
|
Ông Marc Stenfert Kroese cùng các nhân viên. (Nguồn: Internet) |
Không chỉ được học nghề, có chỗ ở, có thu nhập khá ổn định để sống bằng sức của mình, nhiều em khuyết tật đã tìm thấy hạnh phúc riêng của mình trong ngôi nhà chung này. Quyên - Quang, cặp đôi đầu tiên của cửa hàng đã nên duyên vợ chồng. "Nhìn các em trưởng thành, tôi cảm thấy niềm vui như nhân lên gấp bội, như 1 người mẹ chứng kiến hạnh phúc của các con mình" - bà Luyến xúc động. Quyên, quê Hải Dương làm ở LShell đã 5 năm, khẳng định, nơi đây nơi đây thực sự đã trở thành ngôi nhà chung của mọi người. “Vợ chồng tôi rất biết ơn trước tình cảm cô Luyến dành cho. Cô đã tạo dựng niềm tin cho chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi đã bớt đi những mặc cảm của số phận để tiếp tục vươn lên xây dựng tổ ấm của mình trong tương lai. Nơi này thực sự đã trở thành ngôi nhà chung của chúng tôi” - Quyên tâm sự. Quyên cũng cho biết, có nhiều người sau khi học xong nghề và rời cửa hàng, nhưng cô Luyến vẫn hạnh phúc vì thấy họ đã trưởng thành, tự lo được cuộc sống.
Triệu Thị Kim Nơ bị khiếm thị, quê Nam Định làm nhiệm vụ nhận đơn đặt hàng qua điện thoại và mạng của Donkey Bakery cho rằng, đây là môi trường làm việc rất phù hợp với những người khuyết tật. “Làm việc ở đây, chúng em được hướng dẫn tận tình chu đáo, được giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi. Ngoài ra, khả năng tiếng Anh của em đã được cải thiện rất nhiều vì cửa hàng nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các vị khách quốc tế” – Nơ nói.
Với tâm nguyện tạo cho người khuyết tật việc làm bền vững, ổn định, hiện nay, hiệu bánh Donkey Bakery đang liên kết với các tổ chức phi lợi nhuận khác để khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng người khuyết tật, giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống./.