Liên tiếp các trường hợp trẻ tử vong nghi ngờ tiêm vaccine Quinvaxem khiến người dân hết sức hoang mang lo lắng. Tại thành phố Đà Nẵng, những ngày gần đây, nhiều người không dám đưa trẻ đến các trạm y tế để tiêm phòng, mà chọn phương án an toàn hơn là đưa trẻ đến Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố. Vì theo suy luận của một số người, ở Trung tâm lớn thì việc bảo quản vaccine sẽ tốt hơn.

tiem-chung.jpg
Sự cố trẻ tử vong nghi ngờ tiêm vaccine xảy ra trong thời gian qua khiến nhiều bậc phụ huynh có con trong độ tuổi tiêm vaccine hết sức lo lắng (Ảnh minh họa)

Mặc dù trời lạnh, nhưng bà Trần Thị Tùng ở phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng vẫn khăn đùm, khăn gói vượt hơn 6 km đưa cháu đến Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Đà Nẵng để tiêm vaccine 6 trong 1. Theo bà Tùng, dù đi xa tốn kém nhưng sau khi tiêm về gia đình cảm thấy an toàn hơn. Bởi theo suy luận của bà, Trạm y tế phường thiếu cơ sở vật chất, lại thường bị cúp điện nên việc bảo quản vaccine sẽ không đảm bảo.“Tâm lý của người mẹ không dám đưa con đến các cơ sở y tế phường, xã vì sợ công tác bảo quản thuốc men không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu”, bà Tùng cho biết.    Tình trạng một số người dân thành phố Đà Nẵng bỏ Trạm y tế địa phương đến điểm tiêm dịch vụ để tiêm chủng cho trẻ ngày càng đông khiến nơi thì quá tải, nơi thì vắng.

Mặc dù, chương trình tiêm chủng quốc gia Quinvaxem "5 trong 1" đã được đưa vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng Việt Nam, người dân đưa trẻ đến trạm y tế tiêm vaccine “5 trong 1” sẽ được miễn phí hoàn toàn; trong khi đó, tiêm vaccine “6 trong 1” tại điểm tiêm dịch vụ phải tốn hơn 700.000 đồng/ 1 mũi.

Tại thành phố Đà Nẵng, từ tháng 5/2013, sau khi thực hiện việc tạm dừng tiêm vaccine “5 trong 1” tại các cơ sở y tế xã, phường, người dân đã tìm đến các điểm dịch vụ để tiêm vaccine cho trẻ ngày càng đông. Tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi triển khai tiêm lại tại trạm y tế thì tỷ lệ người dân quay trở lại trạm giảm đáng kể.

Theo Thạc sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Đà Nẵng, không có loại vaccine nào là tuyệt đối an toàn 100%. Các bà mẹ cần phối hợp với cán bộ y tế địa phương khai báo về tình hình sức khỏe của trẻ trước khi tiêm chủng để tránh những trường hợp phản ứng thuốc sau khi tiêm.

Bác sĩ Tôn Thất Thạch nói: “Các điểm tiêm chủng đều có dây chuyền lạnh, đủ điều kiện để bảo quản vaccine. Trạm y tế phường thì không có bảo quản vaccine tại Trạm, mà hằng tháng, đến ngày tiêm chủng, các trạm Y tế xã, phường sẽ nhận vaccine từ các đội y tế Dự phòng quận, huyện về tiêm trong ngày, hết ngày thì trả lại cho đội Y tế Dự phòng, không có chuyện bảo quản lâu vaccine tại Trạm Y tế xã, phường”./.  

* Tại Quảng Trị, ngày 5/12 tới đây, tỉnh sẽ tổ chức tiêm trở lại vaccine Quinvaxem “5 trong 1” cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, sự cố 3 trẻ em tử vong sau khi tiêm vaccine xảy ra ngày 20/7 tại Bệnh viện Đa khoa Hướng Hoá đã khiến nhiều bậc phụ huynh có con trong độ tuổi tiêm vaccine hết sức lo lắng.

Chị Nguyễn Thị Hân ở xã Tân Liên, huyện miền núi Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị, có con nhỏ 2 tuổi bày tỏ: Những lần trước, đến định kỳ, chị vẫn đưa con đến trạm y tế xã tiêm phòng đầy đủ. Thế nhưng, từ sau vụ 3 trẻ em tử vong sau khi tiêm phòng vaccine,xảy ra tại bệnh viện Đa khoa Hướng Hoá,  gia đình chị hết sức lo lắng. Đưa con đi tiêm thì sợ điều không may mắn xảy ra với con mình, mà không tiêm phòng cho con thì cũng sợ con bị bệnh về sau.

Đã gần 5 tháng xảy ra sự cố 3 trẻ em tử vong sau khi tiêm vaccine ở bệnh viện Đa khoa Hướng Hoà, tỉnh Quảng Trị, thế nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng về nguyên nhân dẫn đến trẻ tử vong. Mới đây, tại tỉnh Bạc Liêu lại xảy ra sự cố làm một trẻ tử vong sau khi tiêm, khiến người dân ở tỉnh Quảng Trị lại càng hoang mang, nghi ngờ về tính an toàn của vaccine. Nhiều người quả quyết không đưa con đi tiêm hoặc nếu có thì phải đưa con đến các bệnh viện, trung tâm y tế chất lượng, chứ không chịu tiêm ở trạm y tế cơ sở hoặc bệnh viện huyện.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết thêm:“Ở miền núi, hiện nay tỷ lệ tiêm chủng thấp nên cũng phải vận động, giải thích. Tâm lý người dân chưa được thoải mái, nên cũng rất khó khăn”./.