Không bó tay để nước lũ tiếp tục hoành hành, cũng không trông chờ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, từ đầu năm nay, nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh Hậu Giang đã tự nguyện cùng nhau góp công sức, tiền của xây dựng, nâng cấp nhiều tuyến đê bao khép kín ngăn chặn nước lũ, bảo vệ nguyên vẹn ruộng lúa, vườn cây của mình.
Dẫn chúng tôi đi trên con lộ bê tông uốn khúc men theo các con rạch Mái Dầm, Giáo Hoàng, Thông Thiên- những nông dân ở xã Phú Hữu không giấu được niềm tự hào bởi lẽ đây chính là công trình do chính họ chung tay góp sức xây dựng. Cũng giống như những con lộ nông thôn khác ở vùng ĐBSCL, tuy nhiên bên cạnh việc đổ bê tông mặt đường, những nông dân ở đây còn xây thêm bức tường bê tông ở phía lề cặp sông. Chính bức tường là thành trì vững chắc ngăn chặn lũ, bảo vệ nguyên vẹn tài sản của hàng trăm hộ dân ở xã trong những ngày qua.
Anh Phạm Văn Dũng ở ấp Phú Lợi xã Phú Hữu, huyện Châu Thành khoe: “Nước triều cường hôm rồi nó cao nhất thì còn 4 tấc nữa mới ngập lộ, bà con nông dân ở đây yên tâm, ngủ yên giấc, không còn lo nước lũ tràn vô vườn cây ăn trái”.
Năm nào, trước mùa mưa lũ đến, Hậu Giang cũng ra quân thực hiện Chiến dịch giao thông thủy lợi. Tuy nhiên, do hệ thống kênh rạch chằng chịt và nguồn kinh phí có hạn nên đến nay hệ thống giao thông nông thôn và đê bao khép kín vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Bởi vậy mỗi năm khi lũ rục rịch kéo về, nông dân vùng đất trũng cặp dòng sông Hậu luôn nơm nớp sống trong tâm trạng bất an và hầu như năm nào họ cũng bị thiệt hại nặng nề do lũ.
Không riêng gì ở xã Phú Hữu, mà từ đầu năm đến nay nông dân ở nhiều nơi trong huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã đóng góp tiền của, công sức xây dựng, nâng cấp hoàn chỉnh gần 300 km giao thông nông thôn gắn với đê bao chống lũ bảo vệ an toàn cho gần 3.800 ha đất sản xuất nông nghiệp, với kinh phí đầu tư tính đến thời điểm này hơn 15,3 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Qúi ở ấp Phước Hưng xã Đông Phước A cho biết: Hiện ông đang cùng với hơn 160 hộ dân thuê xáng đến cạp đất lên để xây dựng tuyến đê bao dài gần 4 km nhằm bảo vệ vườn cây ăn trái của người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Trương- Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, ý thức và tinh thần tự giác, tự nguyện của người dân trong việc chung tay xây dựng đê bao đã giúp huyện tránh được những thiệt hại nặng nề do lũ gây ra. Nếu năm ngoái lũ ngập đồng ruộng, vườn cây, nhà cửa gây thiệt hại gần 6 tỷ đồng thì trong mùa lũ năm nay, toàn huyện chỉ có 6 con đập bị nước tràn, gây thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Đành rằng lũ năm nay nhỏ hơn năm ngoái, tuy nhiên nếu không có những tuyến đê bao vững chắc do người dân xây dựng thì sự thiệt hại không dừng lại ở con số đó. Ông Nguyễn Văn Trương nhìn nhận: “Bà con đã khép kín bằng cách đưa xáng cạp vô nâng cấp đê bao hoặc những hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở không có đất nâng cấp thì họ xây gạch để nâng lũ, từ phong trào được nhân rộng như vậy bà con đã hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về tài sản, nhà cửa, hoa màu”.
Có thể nói, phong trào chung tay, góp sức xây dựng đê bao chống lũ kết hợp với giao thông thôn của nông dân huyện Châu Thành đã lan rộng và được nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh Hậu Giang triển khai thực hiện theo vì bà con thấy được lợi ích thiết thực từ phong trào này.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay người dân Hậu Giang đã đóng góp gần 160 tỷ đồng để xây dựng giao thông, thủy lợi và chỉnh trang đô thị, trong đó chủ yếu là các công trình chống lũ. Đây chính là những điểm sáng của phong trào huy động sức dân đóng góp xây dựng quê hương của tỉnh Hậu Giang trong suốt những năm vừa qua; tạo tiền đề cho nông nghiệp nông thôn của tỉnh vươn lên mạnh mẽ trong giai đoạn mới./.