Công tác cứu hộ, cứu nạn vụ sập đường hầm dẫn nước tại công trình thủy điện Đa Dâng-Đa Chomo (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) tiếp tục được thực hiện khẩn trương, chạy đua với thời gian trong ngày thứ ba sau khi xảy ra sự cố.

Sáng 18/12, các lực lượng công binh, công an, công nhân Trung tâm cấp cứu mỏ (thuộc TKV) đang đào tiếp đường hầm cứu hộ vòng tránh qua đoạn hầm bị sập, khoan thêm lỗ thoát nước từ cả 3 phía trước, trên nóc và sau hầm.

sap_ham_thuy_dien_uqom.jpg 
Các lực lượng đang nỗ lực trợ giúp cho các công nhân bị mắc kẹt phía trong (Ảnh: Thế Thắng)
Theo lực lượng cứu hộ, đến trưa 18/12 đường hầm phụ - đường hầm cứu hộ ở bên vách phải đã sâu được hơn 5,5m và sẽ tiếp tục được đào để vượt qua đoạn hầm sập bịt kín đất đá, bê tông khoảng 35m. Trong khi đó, 3 lỗ thông nhỏ đã được khoan thông từ phía trước cửa hầm qua đoạn hầm sập, một đường tiếp tục được dùng để liên lạc, cung cấp dưỡng khí, nước uống, nước gừng, sữa, cháo, hai đường còn lại dùng cho bơm thoát nước ngập trong hầm ra ngoài. Việc thoát nước đang được tiếp tục và theo các nhân viên cứu hộ thì mực nước đã giảm khoảng 30cm, so với mức ngập 1,2m vào tối 17/12. Ngoài ra, mũi khoan từ sau hầm để làm đường thoát nước dự kiến đến trưa 18/12 sẽ xuyên qua đoạn đất đá 60m nhưng do cấu tạo địa chất phức tạp nên hiện vẫn chưa hoàn thành.Sau buổi hội ý khẩn của Ban chỉ huy cứu nạn ngay tại hiện trường trưa 18/12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, chủ trì buổi họp, cho biết sẽ cho đào thêm đường hầm phụ thứ hai để đẩy nhanh công tác cứu hộ, cứu nạn. Như vậy, trong đường hầm dẫn nước thủy điện đang bị sập, lực lượng cứu hộ sẽ tiến hành đào hai đường hầm cứu hộ ở hai bên vách hầm để nhanh chóng vượt qua đoạn hầm bị sập, tiếp cận khu vực nơi có 12 công nhân đang bị mắc kẹt.Tại buổi hội ý, Đại tá Phạm Văn Tỵ, Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cũng đề nghị cho đào thêm đường hầm phụ thứ hai bên vách trái đường hầm bị sập, tiếp tục cho gia cố đường hầm chính ở một số đoạn xung yếu, có cấu tạo địa chất yếu.

Đại tá Tỵ cũng đề xuất thêm việc lắp đặt hệ thống ống thép đường kính rộng khoảng 50-60cm dọc theo đường hầm chính để nếu có sự cố sập tiếp diễn sẽ là đường thoát hiểm cho lực lượng cứu hộ. Đề xuất này đã nhận được sự thống nhất cao từ lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và các bộ, ngành, đơn vị tham gia ứng cứu sự cố sập hầm, bởi cùng với việc giải cứu thành công 12 công nhân bị mắc kẹt, còn phải đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ hiện đã lên tới khoảng 500 người. Hiện tình hình 12 công nhân đang bị mắc kẹt trong đường hầm được ghi nhận sức khỏe ổn định. Ngay tại vị trí lỗ thông đầu tiên (khoan được vào tối 16/12) dùng để liên lạc và cấp dưỡng khí, dinh dưỡng cho các nạn nhân, luôn có nhân viên cứu hộ túc trực 24/24 để liên lạc và theo dõi tình hình các nạn nhân. Sau khi khảo sát trong hầm vào sáng 18/12, bà Phạm Thị Bạch Yến, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cho biết: Việc cung cấp dưỡng khí và dinh dưỡng cho các nạn nhân vẫn được liên tục thực hiện. Ngành y tế đã phối hợp với lực lượng công binh, công an khảo sát, chuẩn bị mặt bằng dã chiến cho công tác sơ cứu nạn nhân ngay khi được giải cứu ra ngoài. Tuy đường hầm hiện còn bị ngập nước nhưng các lực lượng đã sẵn sàng để ứng cứu các nạn nhân./.