Trước tình hình bệnh dịch hạch có thể xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam khi Mỹ và Trung Quốc đã ghi nhận 1 số bệnh nhân mắc bệnh này và tại Madagascar từ cuối tháng 8 đến nay đã có khoảng 50 người tử vong vì bệnh dịch hạch.
Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm A, tối nguy hiểm, diễn tiến nhanh, tốc độ lây lan mạnh và tỷ lệ tử vong cao. Trong khi đó, nước ta từng ghi nhận 5 thời kỳ lưu hành bệnh dịch hạch và những ca bệnh đầu tiên là do chuột mang mầm bệnh từ các tàu thủy từ nước ngoài vào. Do vậy, ngăn chặn mầm bệnh dịch hạch từ nước ngoài vào tại các sân bay, cảng biển, cửa khẩu quốc tế đang được các cơ quan chức năng quan tâm. Phóng viên VOV phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về vấn đề này.
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về nguy cơ xâm nhập bệnh dịch hạch từ nước ngoài vào Việt Nam khi 1 số quốc gia trên thế giới, trong đó có nước láng giềng Trung Quốc đang lưu hành dịch bệnh này?
PGS. TS Trần Đắc Phu: Dịch hạch xuất hiện tại Việt Nam gần đây nhất là năm 1987. Chuột, bọ chét mang vi khuẩn dịch hạch di chuyển thông qua phương tiện tàu biển vào Hải Phòng rồi lây lan ra các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, sau đó vào khu vực Nam Bộ. Riêng tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, bệnh dịch hạch lưu hành đến năm 2002 với việc ghi nhận những bệnh nhân mắc bệnh này và kết quả xét nghiệm trên bọ chét (vật trung gia truyền bệnh từ chuột sang chuột và từ chuột sang người), xét nghiệm trên chuột vẫn phát hiện vi khuẩn dịch hạch.
Từ đó đến nay, nước ta không có bệnh nhân mắc dịch hạch, kết quả xét nghiệm trên chuột và bọ chét cũng không phát hiện thấy vi khuẩn gây bệnh dịch hạch. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh này xảy ra trên 1 số nước trên thế giới thì nguy cơ lây lan vào Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra, phải hết sức cảnh giác.
PV: Hiện nay, riêng cảng Hải Phòng, trung bình mỗi ngày đã có hơn 10 tàu nước ngoài cập cảng, trong đó có khoảng 1/3 là tàu từ Trung Quốc (nước đang có bệnh dịch hạch lưu hành). Ông có thể cho biết về cơ chế lây lan mầm bệnh dịch hạch từ đường biển vào nước ta cũng như những điều mà cơ quan chức năng và người dân cần lưu ý?
PGS. TS Trần Đắc Phu: Dịch hạch đang lưu hành trên thế giới nên nó có thể lan truyền thông qua việc chuột trú ngụ trên tàu biển rồi đi qua các phương tiện vận chuyển như tàu biển, máy bay… vào Việt Nam. Ở nước ta lại đang có sẵn chuột và bọ chét nên nếu xuất hiện vi khuẩn gây bệnh thì việc lây lan dịch bệnh sẽ rất rộng.
Vi khuẩn gây bệnh dịch hạch ở người nhưng đồng thời cũng gây bệnh trên chuột và nó làm cho chuột chết. Trong trường hợp bỗng dưng chuột chết hàng loạt mà không phải do áp dụng các biện pháp diệt chuột, thường người ta nghĩ đến sự xuất hiện của bệnh dịch hạch. Khi chuột chết thì bọ chét sẽ rời chuột (vật chủ) nhưng vẫn mang vi khuẩn dịch hạch và nhảy lên người, truyền bệnh cho người hoặc sang con chuột khác và truyền bệnh cho con chuột này. Bản thân chuột thường di chuyển từ vùng này sang vùng khác thì sẽ làm lan tràn dịch hạch.
Nếu là vi khuẩn gây bệnh dịch hạch thể phổi thì người có thể lây bệnh sang người qua con đường hô hấp. Khi có tình trạng chuột chết cần báo cáo ngay với cơ quan y tế, đồng thời báo cáo ngay với cơ quan thú y. Chỉ khi có kết luận của ngành y tế thì mới chắc chắn về nguyên nhân chuột chết có phải do vi khuẩn dịch hay không. Chúng ta cũng không quá hoang mang khi thấy 1 con chuột chết vì nhiều khi chuột chết do nhiều nguyên nhân như người khác đánh bả chuột mà mình không biết.
PV: Trước nguy cơ bệnh dịch hạch có thể xâm nhập nước ta, nhất là từ đường biển, 2 ngành Y tế và Giao thông Vận tải sẽ có sự phối hợp như thế nào để kiểm soát và ngăn chặn nguy cơ này, thưa ông?
PGS. TS Trần Đắc Phu: Trong quy định về an toàn dịch bệnh, các phương tiện hàng hải phải được cấp giấy phép chứng nhận về diệt chuột. Ví dụ tàu của nước nào đó sang Việt Nam thì cơ quan kiểm dịch y tế tại cảng biển phải kiểm tra giấy phép diệt chuột còn thời hạn hay không. Nếu không còn thời hạn thì sẽ không được nhập cảnh hoặc là chủ tàu phải thực hiện các biện pháp diệt chuột mới được cập bến. Nếu như tàu nội địa chạy từ vùng này qua vùng khác mà cơ quan chức năng của Bộ Giao thông Vận tải không kiểm tra tốt thì chuột sẽ di chuyển và mang mầm bệnh đi khắp nơi. Ngoài việc kiểm tra giấy phép diệt chuột thì cơ quan kiểm dịch cũng phải kiểm tra thực tế, chứ không chỉ là thấy có giấy chứng nhận là cho nhập cảnh ngay. Giữa cơ quan nhập cảnh và cơ quan y tế sẽ có những phối hợp chặt chẽ để kiểm soát và ngăn chặn nguy cơ này.
PV: Xin cảm ơn ông./.