Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm tiến triển cấp tính, lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao, được xếp vào diện phải kiểm dịch và khai báo quốc tế.
Bệnh do trực khuẩn Yersinia pestis gây ra, lưu hành trong quần thể động vật thuộc những loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột) và bọ chét ký sinh trên chúng. Bệnh lây truyền sang người qua trung gian bọ chét nhiễm khuẩn.
Ở Việt Nam, bệnh dịch hạch thường phát triển mạnh vào mùa khô, phù hợp với mùa phát triển của chuột và bọ chét. Bệnh dịch hạch ở người gồm có các thể: Thể hạch, thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi và thể màng não, thường gặp hơn cả là thể hạch. Bệnh có biểu hiện triệu chứng đột ngột, ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, sau đó toàn phát với các triệu chứng đặc trưng là nhiễm khuẩn, nhiễm độc và sưng hạch.
Mặc dù trên 10 năm trở lại đây tại Việt Nam không ghi nhận ca bệnh dịch hạch trên người, tuy nhiên nguy cơ lây lan bệnh dịch hạch từ nước ngoài vào nước ta là rất lớn.
Trước đó, theo thông báo của tổ chức Y tế thế giới, từ ngày 31/8/2014 đến nay, tại Madagascar đã ghi nhận 119 trường hợp mắc bệnh dịch hạch (2% là dịch hạch thể phổi), trong đó có 40 trường hợp tử vong. Cơ quan đầu mối IHR của Mỹ cho biết đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh dịch hạch tại bang Colorado. Tại Trung Quốc, Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình cũng đã thông báo ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh dịch hạch thể phổi tại tỉnh Cam Túc (Trung Quốc).
Tổ chức Y tế thế giới nhận định, tại Madagascar, có nhiều nguy cơ làm dịch bệnh dịch hạch lây lan rộng như mật độ dân số cao, hệ thống y tế yếu kém. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh phức tạp hơn do véc-tơ truyền bệnh dịch hạch là loài bọ chét đã kháng với deltamethrin ở mức độ cao.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh lây truyền này, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo cộng đồng cần thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, bố trí và sắp xếp đồ đạc, dụng cụ trong nhà ở, nhà kho hợp lý tránh chuột chui rúc và làm tổ. Đảm bảo thực phẩm được che, đậy an toàn tránh để chuột tiếp xúc; thực hiện các biện pháp diệt chuột, bọ chét, phá hủy nơi sinh sản của chuột.
Khi phát hiện có chuột chết bất thường phải khai báo ngay cho cơ quan y tế nơi gần nhất; không diệt chuột và bọ chét khi đang xảy ra dịch ở chuột và ở người. Nếu có người nhà, hàng xóm biểu hiện bệnh dịch hạch (sốt, nổi hạch...) phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, ở những địa phương có dịch hạch lưu hành và những vùng có nguy cơ phải thường xuyên theo dõi kết quả giám sát dịch tễ học dịch hạch để chủ động phòng chống bệnh dịch; Phối hợp với các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu kiểm tra, giám sát chặt chẽ phương tiện vận chuyển, hàng hóa, động vật nhập khẩu vào nước ta./.