Tại tỉnh Quảng Nam, đến thời điểm này, dịch lợn tai xanh lây lan trên địa bàn 160 thôn thuộc 37 xã, thị trấn, với gần 5.000 con lợn mắc bệnh; trong đó hơn 1.100 con phải tiêu hủy bắt buộc. Sau hơn 10 ngày tỉnh Quảng Nam công bố dịch, nhiều địa phương vẫn còn thờ ơ với việc chốt chặn, kiểm soát vận chuyển, giết mổ.
Ông Nguyễn Thành Nam, Chi Cục trưởng Chi Cục thú y tỉnh Quảng Nam cho biết, do công bố dịch trên địa bàn toàn tỉnh nên một số địa phương cho rằng, trách nhiệm chốt chặn, nghiêm cấm buôn bán, giết mổ thuộc ngành thú y tỉnh. Do vậy, hầu hết các tuyến giao thông liên huyện đều không có trạm chốt chặn.
Còn tại tỉnh Quảng Trị, đã hơn 10 ngày phát hiện, dịch lợn tai xanh vẫn chưa được khống chế. Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã có hơn 700 con lợn bị mắc bệnh tai xanh, trong đó hơn 120 con chết và tiêu hủy.
Nguyên nhân xảy ra dịch do số lợn giống nguồn gốc không rõ ràng, không được tiêm phòng vacxin. Trong khi đó, công tác phòng chống dịch bệnh của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vẫn còn lơ là. Một bộ phận người chăn nuôi ở vùng có dịch tìm cách bán tháo lợn ra thị trường.
Ông Võ Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cho biết, dù địa phương đã thành lập 3 chốt kiểm soát công tác phòng chống dịch đang gặp nhiều khó khăn. “Khó khăn hiện nay ở địa phương là thiếu kinh phí, trang thiết bị dụng cụ bảo hộ cho cán bộ phòng chống dịch. Do đó, đề nghị chi cục và trung ương hỗ trợ cho địa phương để chống dịch”, ông Võ Văn Bắc kiến nghị.
Trước tình trạng dịch lợn tai xanh có nguy cơ lan rộng, Cục Thú y Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp thêm lượng vắc xin cho các địa phương triển khai tiêm bao vây phòng dịch. Các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung triển khai biện pháp phòng chống dịch. UBND tỉnh Bình Định đã chi ngân sách hơn 4 tỷ đồng để mua vacxin hỗ trợ người chăn nuôi tiêm phòng cho lợn. Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó chi cục trưởng Chi cục thú y Bình Định cho biết: “Năm nay, tổ chức tiêm phòng lợn tai xanh là do áp lực dịch bệnh ở các tỉnh lân cận. Tiêm phòng vacxin lợn tai xanh đắt, 37.000 đồng/liều, nên toàn bộ vacxin tỉnh đều hỗ trợ cho nông dân. Mục tiêu nhằm bảo toàn đàn heo giống của tỉnh”./.