Trước tình hình dịch lợn tai xanh diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương miền Trung, thành phố Đà Nẵng đã triển khai các phương án phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Phản ánh của phóng viên Hoài Nam tại miền Trung.
Sau khi Quảng Nam công bố dịch lợn tai xanh trên địa bàn toàn tỉnh, thành phố Đà Nẵng lập tức củng cố các trạm kiểm dịch động vật, tăng cường lực lượng kiểm soát việc nhập lợn và các sản phẩm từ lợn vào thành phố; giám sát giết mổ tại 8 lò mổ trên địa bàn tất cả các chợ.
Tại chợ Miếu Bông, huyện Hòa Vang, Ban Quản lý chợ tăng cường kiểm tra tại các quầy, đồng thời tuyên truyền ý thức phòng chống dịch đối với các hộ tiểu thương thông qua hệ thống loa phóng thanh.
Ông Đặng Quang Tịch, Phó Ban Quản lý chợ Miếu Bông, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết, do chợ nằm trên tuyến Quốc lộ 1 A, giáp ranh với tỉnh Quảng Nam nên việc kiểm tra gặp nhiều khó khăn. Ban Quản lý cử người theo dõi chặt chẽ 20 quầy bán thịt lợn ở chợ, kiên quyết xử lý những trường hợp buôn bán thịt lợn chưa qua đóng dấu kiểm dịch.
|
Thịt lợn tai xanh (ảnh: baotintuc) |
“Tuyên truyền cho tiểu thương trong chợ biết, nhân dân đề phòng, cảnh giác, còn tiểu thương buôn bán, thịt phải có dấu của thú y để đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân,” ông Tịch nói.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Miếu Bông, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng cho biết, 2 ngày nay, lượng thịt bán ra ở chợ giảm hơn một nửa so với trước đây. Các lò mổ cung ứng thịt cho chợ cũng hết sức thận trọng trong khâu giết mổ.
Lời bà Hạnh: “Mình mà biết heo ở Quảng Nam đưa ra thì không bao giờ nhận, mà chỉ nhận tại Đà Nẵng đây. Heo mà có hiện tượng bỏ ăn thì mình không bao giờ bán, vì mình biết sẽ gây hậu quả không tốt cho người tiêu dùng.”
Thành phố Đà Nẵng tiêu thụ khoảng 80% thịt lợn, sản phẩm từ lợn từ các địa phương khác, với số lượng lợn giết mổ hằng đêm khảng 1.200 con, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch lợn tai xanh nếu không kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở các quận, huyện ngoại thành chưa ý thức đầy đủ về việc phòng chống dịch.
Thực tế, sau gần 3 năm không có dịch, người dân thành phố Đà Nẵng tỏ ra chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch bệnh, không tiêm phòng các loại vắc xin như tả, tụ huyết trùng…
Sau khi dịch lợn tai bùng phát tại tỉnh Quảng Nam, Chi cục Thú y thành phố Đà Nẵng cung cấp hơn 1.000 lít hóa chất cho các địa phương tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng trên diện rộng, đặc biệt là tại các chuồng trại chăn nuôi lợn, các vùng giáp ranh, vùng có dịch, các ổ dịch cũ…
Ông Cao Xuân Thái, Chi cục trưởng Chi cục Thú y thành phố Đà Nẵng cho biết, trước hết chi cục tăng cường thêm lực lượng cũng như trang thiết bị và hóa chất cho 2 trạm kiểm dịch ở 2 đầu phía Nam và phía Bắc để tăng cường kiểm soát, lưu thông, vận chuyển gia súc, gia cầm vào địa bàn thành phố.
“Đồng thời tăng cường tiêu độc, các phương tiện vận chuyển qua lại,” ông Thái nói. “Riêng đối với các vùng giáp ranh thì chúng tôi kiểm tra việc tuần tra, kiểm soát lưu động, phối hợp với các cơ quan chức năng khác và chính quyền địa phương để ngăn chặn gia súc từ các vùng dịch ra.”
Thành phố Đà Nẵng hiện đang dự trữ hơn 5.400 liều vắc-xin phòng chống bệnh heo tai xanh và 3.000 lít hóa chất sẵn sàng đối phó với dịch tai xanh./.