Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hiện tượng nắng nóng bất thường đang xảy ra ở miền Bắc và miền Trung được đánh giá là kỷ lục trong 15 năm qua. Vậy tại sao lại có đợt nắng nóng bất thường này?

Cơ quan dự báo thời tiết trung ương cho biết ngày hôm qua (30/06), nắng nóng đã xảy ra trên diện rộng ở khu vực Bắc Bộ và các tỉnh ven biển Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36 – 39 độ, một số nơi trên 39 độ C. 

nang_nong_du_doi_tai_ha_noi_dikr.jpg
Một triệu thí sinh bắt đầu bước vào kỳ thi "2 trong 1" dưới cái nóng kỷ lục. Ảnh VTC.

Ngày hôm nay (01/07), nắng nóng sẽ tiếp tục duy trì ở khu vực Bắc Bộ và các tỉnh ven biển Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 36 – 39 độ, có nơi trên 39 độ.

Dự báo đợt nắng nóng này có khă năng kéo dài đến cuối tuần.

So với đợt nắng nóng cuối tháng 5, đợt này mức nhiệt chưa cao bằng. Tuy nhiên, do gần như suốt ngày đêm trời trong xanh, lặng gió, độ ẩm thấp, nhiệt độ chêch lệch chỉ 4-5 độ C khiến không khí rất ngột ngạt. Như 22h đêm qua, Hà Nội còn nóng 34 độ C, độ ẩm chỉ 63%.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết nguyên nhân của nắng nóng kỷ lục kéo dài này là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino pha nóng.

Cụ thể, ông Hải cho biết năm 2015 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nền nhiệt độ trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1 độ C. Trong đó, từ tháng 3 đến hết tháng 5, nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 2 độ C. Nắng nóng và nắng nóng gay gắt đến sớm hơn và kết thúc muộn hơn ở các khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ.

Bên cạnh đó, mùa mưa ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ đến muộn hơn, cùng với lượng mưa ít hơn so với thông lệ. Mùa mưa ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ thường bắt đầu từ cuối tháng 4, nhưng năm nay phải cuối tháng 5 mới bắt đầu. Lũ tiểu mãn ghi nhận ở Bắc Bộ vừa qua cũng rất thấp. Lượng mưa ở Bắc Bộ trong tháng 4 và tháng 5 thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-30%. Chúng ta mới ghi nhận một trận mưa rào và dông lớn vào khoảng ngày 20/4 và một đợt mưa lớn như vậy nữa vào khoảng ngày 22 - 24/5 vừa qua.

Theo Wikipedia, El Nino (theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Đứa trẻ, ý nói đến Chúa Giêsu) là hiện tượng nóng lên bất thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và đông Thái Bình Dương, kéo dài 8 - 12 tháng, hoặc lâu hơn. Hiện tượng El Nino thường xuất hiện 3 - 4 năm một lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn. El Nino xuất hiện sẽ kéo theo sự biến đổi khác thường của nhiệt độ và lượng mưa của nhiều vùng. Ở nước ta, El Nino sẻ giảm thiểu mưa, tăng nhiệt độ, gây nên hạn hán làm mùa màng bị thiệt hại nặng nề.

El Nino là nguyên nhân khiến nhiệt độ mặt nước biển ở Thái Bình Dương ấm lên, gây ra thời tiết nóng nực khắp châu Á. Đây là hiện tượng thay đổi đáng kể nhiệt độ trên mặt biển ở vành đai nhiệt đới của Thái Bình Dương, xảy ra mỗi 2-7 năm khi các cơn gió mậu dịch (gió mạnh thổi liên tục từ Đông Nam hoặc Đông Bắc về hướng xích đạo) bắt đầu suy yếu. El Nino khiến nhiệt độ tăng lên, gây ra mưa bão, lụt lội và hanh khô.

Mối quan tâm dành cho El Nino ngày càng gia tăng, đặc biệt là việc thiên tai này sẽ ảnh hưởng đến sản lượng lúa gạo và lúa mỳ. Thế giới đang lo ngại về kiểu thời tiết khô hạn, từng xảy ra 5 năm về trước, sẽ đạt cường độ mạnh nhất từ nay cho tới hết tháng Tám. Nếu điều đó xảy ra, nó có thể gây ra những đợt hạn hán và lụt lội nghiêm trọng, phá hoại mùa màng cũng như đẩy giá lương thực tăng vọt.

Nguồn dự trữ gạo từ các nước xuất khẩu chính như Thái Lan hay Ấn Độ hiện đang dư thừa. Nhưng El Nino có thể sẽ phá hỏng vùng chuyên canh Padi của Ấn, làm giảm sản lượng gạo và đẩy giá gạo tăng cao trong năm nay. Trong khi giá gạo tăng có thể gây ra lạm phát và bất ổn kinh tế.

El Nino gây ra thời tiết khô hạn tại Úc, nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới, và làm giảm sản lượng hàng nông sản này. Từ đó làm tăng giá lúa mỳ và các sản phẩm liên quan như bánh mì và bột ngũ cốc.

El Nino không gây ra ảnh hưởng ngắn hạn tới nguồn cung dầu tràm vì cần tới một năm để loài thực vật này cho thấy các dấu hiệu của hạn hán. Song nhu cầu ngày càng cao từ các nước nhập khẩu dầu tràm như Trung Quốc, Ấn Độ cùng mối lo ngại giảm sút nguồn cung có thể dẫn đến việc tăng giá hàng nông sản này vào phút chót.

Hai quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta hàng đầu là Indonesia và Việt Nam, đang phải hứng chịu hạn hán. Sản lượng cà phê của Indonesia có thể giảm 15% do phụ thuộc nhiều vào lượng nước mưa hơn Việt Nam, nước vốn có hệ thống tưới tiêu tốt hơn. Tuy vậy sản lượng cà phê Arab có thể sẽ tăng cao do cà phê này tăng trưởng tốt trong điều kiện khí hậu ấm.

Thế giới hiện đang có nguồn cung đường dồi dào, nhưng năm sau El Nino có thể sẽ ảnh hưởng lớn tới việc trồng mía tại Ấn Độ, nước sản xuất đường lớn thứ hai trên thế giới. Trong năm 2009, El Nino đã gây ra một đợt hạn hán nghiêm trọng và đẩy giá đường thế giới lên mức cao nhất trong 30 năm qua./.