Tại thị xã Hồng Ngự, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, một số đê bao chống lũ đã bị nước lũ tràn qua, nhiều tuyến đê bị rò rỉ nước tràn vào các ruộng lúa. Tại An Giang, nước lũ tiếp tục uy hiếp đê, nhiều nơi nước lũ làm ngập ao nuôi cá, hoa màu. Bên cạnh đó, nhiều tuyến lộ giao thông nông thôn nhiều địa phương bị sạt lở, gây ách tắc và khó khăn cho công tác phòng chống lũ.

Đến sáng 28/9, nước lũ đã làm ngập nhiều ao nuôi cá, ruộng hoa màu ở các huyện đầu nguồn lũ của tỉnh An Giang. Tại An Phú, lũ đã gây ngập sâu đường đến 21 điểm trường, 8 điểm giữ trẻ trên địa bàn huyện, ảnh hưởng đến việc đi học của hơn 1.500 học sinh.

Nước lũ tiếp tục tràn qua một số tuyến đê uy hiếp vùng sản xuất lúa, hoa màu vụ thu đông ở huyện Châu Phú. Một số cống của đê bao kinh 8 của xã bị xé gây rò rỉ nước. Lực lượng tại chỗ đã khắc phục kịp thời. Gần 1.000 chiến sĩ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, sư đoàn B330, Quân khu 9 kịp thời để dùng bao cát gia cố hơn 20 km đê bảo vệ diện tích sản xuất.

521018.jpg

Người dân ấp Tân Hòa, xã Tân Hội, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) đóng cừ tràm gia cố đoạn đê bao bị yếu

Ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Đến lúc này chúng tôi vẫn đang kiểm soát tình hình và đã có báo cáo chính thức lên các bộ ngành Trung ương. Hiện các lực lượng trên địa bàn tỉnh đã tham gia chống úng ngập. Bên cạnh đó, các lực lượng của quân khu như Sư đoàn 330, trung đoàn 892 cũng đã vào cuộc”.

Còn ở Đồng Tháp, dù liên tục gia cố nhưng do mực nước lên nhanh nên rất nhiều tuyến đê tiếp tục bị lũ uy hiếp, tình hình hết sức nguy hiểm. Các địa phương trong tỉnh đã chi trên 38 tỷ đồng gia cố đê bao chống lũ và trung ương vừa đồng ý hỗ trợ tiếp 25 tỷ đồng.

Tại thị xã Hồng Ngự do liên tục, nước lũ lên cao vượt báo động 3 nên một số đê bao chống lũ ở kênh Tứ Thường, kênh An Bình B đã bị nước lũ tràn qua. Đoạn đê bao thuộc hợp tác xã Tân Phát, xã An Hòa, huyện Tam Nông bị vỡ 1 đoạn dài hơn 10m, 350 ha lúa thu đông trong giai đoạn đồng trổ đang trong nguy cơ ngập úng.

Thông tin mới nhất đến thời điểm này, ngành Giáo dục-Đào tạo tỉnh đã cho 36 điểm trường gồm 228 lớp với hơn 5.500 học sinh ở các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tại huyện Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự nghỉ học tránh lũ. Những ngày qua, tại Đồng Tháp đã dời được hơn 400 hộ lên các cụm tuyến dân cư. Trong đó, đang tiếp tục hỗ trợ trên 600 hộ vùng sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Ông Lê Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã An Hiệp, huyện Châu Thành cho rằng: “Hiện nay địa phương đã nhanh chóng di dời được hơn 30 hộ dân. Còn lại 16 hộ, trong hôm nay đoàn thể của huyện, của xã và các ngành sẽ tiếp tục vận động để các hộ này sẽ tháo dỡ, di dời, đưa vào khu vực an toàn”.

Tại huyện Tân Hồng, tình thế chống lũ đang ở mức nguy hiểm cao nhất. Tuyến đê bao ở cánh đồng ấp Gò Bối, xã Tân Hộ Cơ bị rạn nứt ở giữa mặt đê khoảng 100 m nước tràn vào đe dọa hàng trăm ha lúa, địa phương đã huy động lực lượng cứu hộ đê bảo kịp thời.

Các trạm bơm hoạt động liên tục để chống úng trên diện rộng; đồng thời tiếp tục đóng cừ tràm, dùng bao đất đắp gia cố các đoạn xuân yếu để hạn chế tình hình sạt lở xảy ra. Tuyến đê bao ở ấp Đuôi Tôm, bị vỡ hơn 4m. Trong đê hiện có trên 355 hécta lúa vụ 3 khoảng 30 ngày tuổi bị ngập.

Tại trạm bơm kênh Bắc Viện, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, mực nước bên ngoài cao hơn bên trong đê khoảng 4m, tạo áp lực mạnh làm nước tràn qua đoạn đê với chiều dài khoảng 2m. Lực lượng đã được huy động để làm đê bao phụ bên ngoài chống sạt lở vào bên trong. Do khan hiếm vật liệu chống lũ nên ngành chức năng đã trưng dụng đất ruộng, bạch đàn, tre của dân để chống sạt lở.

Thông tin mới nhất, đến thời điểm này, huyện Tân Hồng đã được sự chi viện trên 700 quân thuộc Tiểu đoàn 502, Công an tỉnh cùng với các xe cơ giới của Lữ đoàn công binh 25 để tham gia công tác phòng chống lũ.

Ông Phùng Thanh Hải, Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng khẳng định quyết tâm dồn sức chống lũ của địa phương: “Hầu hết các đợt lũ đã uy hiếp và vượt tầm kiểm soát. Các đê bao đang bị sức ép, chúng tôi sẽ làm hết khả năng của mình”.

Đến sáng 28/9, công tác chống lũ ở ĐBSCL càng thêm nhiều áp lực vì nước tiếp tục dâng và các tuyến đê bao, nhất là ở huyện Tân Hồng. Tuy nhiên, các địa phương cũng đã làm mọi biện pháp có thể để quyết tâm bảo vệ sản xuất, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân./.