Đoàn Bảo Ngọc là người con của một gia đình hộ nghèo ở Hà Tây. Mẹ Ngọc mất sớm, bố Ngọc lâm vào cảnh “gà trống nuôi con”. Bản thân Ngọc bị bệnh phù chân voi từ nhỏ, gia đình tốn tiền chạy chữa nhiều lần nhưng không khỏi đành lòng cắt bỏ chân. Kể từ khi đó Ngọc trở nên ít nói, ít chia sẻ vì nỗi tự ti, mặc cảm mình không được lành lặn như người thường. Hàng ngày nhìn thấy bố vẫn đều đặn làm ruộng, cày cuốc kiếm miếng ăn khiến Ngọc thương bố nhiều hơn nhưng bất lực vì què cụt. Cho đến một hôm, Ngọc tình cờ đọc được thông báo tuyển sinh của lớp học công nghệ thông tin miễn phí cho người khuyết tật trên Internet, Ngọc đã nộp hồ sơ với niềm hy vọng mới.

img_2569.jpg
Lớp học "Nghị lực sống"

Đấy chính là lớp học tại khu nhà Nơ 1A, bán đảo Linh Đàm, Hà Nội. Lớp học do toàn bộ tâm huyết mà hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng cùng với trung tâm Nghị lực sống lập ra. Liên tục đều đặn trong 10 năm trời, trung tâm Nghị lực sống đã mở nhiều lớp dạy miễn phí công nghệ thông tin cho học viên khuyết tật và tạo điều kiện công ăn việc làm cho họ đến 70%.

Tôi đến thăm lớp học đặc biệt vào buổi sáng mùa hè. Tuy gọi là lớp học nhưng thực chất là căn phòng nhỏ 30m2 bao gồm 12 máy vi tính bàn, 1 chiếc quạt điện,1 máy chiếu làm phương tiện dạy học.

Tham dự lớp học hôm ấy có thầy giáo Nguyễn Văn Hùng (Nghệ An) cùng 11 bạn học viên. Buổi học kéo dài từ 8h sáng tới 11h trưa. Mười hai con người tuy không một ai lành lặn về thể xác nhưng đều chung niềm say mê tin học.

Theo thầy giáo Hùng, tiêu chí để chọn học viên của trung tâm là những người khuyết tật vận động, tự sinh hoạt vệ sinh cá nhân được; trí óc bình thường; không run tay, run chân; trình độ văn hóa tối thiểu là lớp 5; độ tuổi từ 15-30 tuổi. Bên cạnh việc học công nghệ thông tin vào các buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 6, học viên còn được tham dự lớp học tiếng Anh và kỹ năng mềm song song vào buổi chiều.

Mỗi con người, một số phận

Thầy giáo Hùng, người trực tiếp giảng dạy cho các học viên ở đây là một người khuyết tật. Anh mãi mãi mang trong mình hình dáng của một đứa trẻ con chỉ mới lên năm, lên sáu. Ở nhà, mẹ anh mắc bệnh tật nằm liệt giường cả năm nay, bố chỉ làm ruộng nên cuộc sống khá vất vả. Anh chia sẻ bản thân đã biết đến trung tâm Nghị lực sống từ lâu nhưng hoàn cảnh gia đình khiến anh ngại ngần chưa muốn nộp đơn. Cho đến khi anh có dịp gặp hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng, suy nghĩ của anh đã hoàn toàn thay đổi. Anh hiểu ra, người khuyết tật cũng có thể đóng góp nhiều điều có ích cho xã hội.

Hay như trường hợp của học viên Đoàn Bảo Ngọc đã được nhắc đến ở trên. Trước khi tham dự vào lớp học, Ngọc đã từng tự ti khi nghĩ đến hoàn cảnh của mình. Giờ đây gặp được nhiều người đồng cảnh ngộ, Ngọc dễ dàng cởi mở, hòa đồng hơn với mọi người.

Học viên Lê Quốc Sơn (Hải Phòng) bị khuyết tật bẩm sinh, nói ngọng, đi lại khập khiễng, gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Khâm phục ý chí và nghị lực của anh Nguyễn Công Hùng, Sơn quyết tâm nộp đơn xin vào trung tâm học hỏi. Hàng ngày, sau mỗi buổi học với thầy giáo ở trên lớp, Sơn lại tự mày mò, ôn lại những gì đã được học, kiên trì hiện thực hóa giấc mơ thành tài.

Không bao giờ đầu hàng

Dù có bị số phận ngược đãi đến nhường nào, những con người khuyết tật trong lớp học ấy chưa bao giờ bỏ cuộc. Họ miệt mài học tập ngày đêm để mong chờ vào một tương lai tươi sáng, có thể tự lập được, không phải phụ thuộc vào ai.

“Thầy giáo Hùng” vẫn hàng ngày đến lớp, truyền cho những học viên khuyết tật đam mê và kiến thức về tin học. Bên cạnh đó, Hùng cùng trung tâm làm hồ sơ kêu gọi tài trợ, tìm kiếm việc làm ở các công ty giúp các học viên có thể tự lo được cuộc sống. Có những bộ hồ sơ Hùng phải 5, 6 lần đi sửa thông tin mới hoàn thiện được. May sao vẫn còn nhiều nhà hảo tâm trong xã hội đã giúp đỡ để trung tâm còn đứng vững được đến ngày hôm nay. Tuy lương của trung tâm trả cho Hùng chỉ là 2 triệu đồng hoặc có khi không có, Hùng vẫn nhiệt tình chỉ dạy cho các học viên, quyết tâm theo đuổi nghề đến cùng.

Học viên Bảo Ngọc chia sẻ: “Tôi mong người bình thường hãy nhìn người khuyết tật với con mắt công bằng hơn. Bởi vì người khuyết tật cũng có thể đóng góp nhiều điều có ích cho xã hội. Thậm chí có những đóng góp của người khuyết tật đã gây được tiếng vang”.

Nhắn nhủ thêm, học viên Nguyễn Thị Thơ (Hà Nam) nói: “Tự tin và sống vui vẻ là hai yếu tố quan trọng để người khuyết tật bước vào cuốc sống. Người khuyết tật hãy tận dụng cơ hội khi có thể và cố gắng tự lập mới có thể trở thành con người có ích cho xã hội”.

Mong sao sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa cho người người khuyết tật được học tập, làm việc như những người bình thường khác. Chúc cho các bạn khuyết tật sớm ổn định được công việc, có thể tự nuôi sống bản thân như mình mong muốn./.