Cho dù kết thúc năm 2008, tăng trưởng kinh tế vẫn  ở mức khá nhưng rõ ràng chúng ta đang chuẩn đón Tết với tâm trạng kém vui hơn nhiều so với mọi năm. Với nhiều người lao động, nỗi lo có một tấm vé tầu, xe để kịp về quê ăn Tết không lớn bằng nỗi ưu tư về công ăn việc làm.    

Theo thông báo mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-& XH), đến hết 2008, cả nước đã có 30.000 người mất việc. Trong năm 2009, con số này có thể tăng lên gấp 5 lần. Trước đó, cũng theo dự đoán của một cơ quan thuộc Bộ LĐ-TB &XH, do suy giảm kinh tế,  số người mất hoặc giảm việc làm có thể lên đến 3 triệu!  

Cuối tháng 10/2008, Văn phòng Lao động quốc tế dự báo năm 2009, cả thế giới có khoảng 210 triệu người mất việc làm. Với tình hình kinh tế toàn cầu càng lúc càng ảm đạm hơn, những dự báo trên đây chắc sẽ còn nhiều thay đổi. 

Tết này, sẽ có không dưới 30.000 người nghỉ Tết mà không trở lại làm việc. Chưa kể hàng triệu lao động thời vụ, lao động từ nông thôn ra thành thị kiếm việc - những người không thuộc về bất kỳ một đơn vị, doanh nghiệp nào - cũng sẽ bị mất việc do hiệu ứng dây chuyền của suy giảm kinh tế. Họ sẽ về  quê nghỉ Tết mà khó có cơ hội trở lại với công việc. 

Trong thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng đồng thời đảm bảo an sinh xã hội là  những trụ cột hành động ưu tiên của Chính phủ. Và Chính phủ cùng một số bộ ngành đã phát đi những tín hiệu khiến nhiều người cảm thấy an tâm. 

Kể từ đầu năm nay, lương tối thiểu của người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đã được tăng từ 110.000 đồng - 200.000 đồng/tháng, tuỳ vào khu vực và loại doanh nghiệp. Tất nhiên mức tăng này là rất cần kíp nhưng nó chủ yếu mang ý nghĩa là bù vào mức trượt giá của năm 2008. 

Một tín hiệu tích cực nữa là bảo hiểm thất nghiệp sẽ chính thức được áp dụng, với mức tối đa là 60% bình quân tiền lương trong nửa năm đóng bảo hiểm của người lao động. Tuy vậy, vì điều kiện được nhận bảo hiểm là phải đóng phí từ 12 tháng trở lên, do vậy phải đến hết năm 2009, người lao động mới thực sự có được chiếc phao cứu sinh này. 

Bên cạnh đó, về phía người sử dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phải tăng lương trong bối cảnh kinh tế khó khăn cũng khiến họ thêm khó xoay sở hơn với bài toán vừa phải thu hẹp sản xuất, vừa phải giữ việc làm cho nhân công. 

Bộ LĐ-TB & XH cũng đã tính toán, để trợ cấp cho 150.000 lao động mất việc trong ba tháng, ngân sách Nhà nước sẽ phải chi ra cỡ 900 tỷ đồng.  Số tiền này tất nhiên chỉ dành cho những lao động được đăng ký chính thức trong các doanh nghiệp. Còn lao động tự do, ở khu vực nông thôn chỉ có thể trông đợi vào hiệu quả gián tiếp của các gói kích cầu, các chính sách trợ cấp chung cho người nghèo và khu vực nông thôn mà Nhà nước sẽ thực hiện. 

Đảm bảo an sinh xã hội để giữ ổn định, làm an lòng người đúng là ưu tiên số một trong hoàn cảnh hiện nay. Hơn 45 triệu lao động Việt Nam cần một hệ thống an sinh tốt hơn, cần một cơ chế bảo vệ quyền lợi mạnh hơn khả năng mà các tổ chức công đoàn hiện nay có thể làm được.  

Cũng cần phải nói thêm rằng, nguồn lực quốc gia (gồm cả nhà nước và xã hội), tuy đã được tăng lên đáng kể sau một thời gian dài tăng trưởng nhưng chưa chắc đã đủ sức chiến thắng được một cơn bão đang làm rung chuyển cả những nền kinh tế khổng lồ của thế giới.  

Ở Trung Quốc, nhiều địa phương đã thu hộ chiếu hoặc áp dụng những hình thức cực đoan như cấm các ông chủ nước ngoài đi khỏi địa phương hay xuất cảnh nhằm thúc ép họ tìm cách trả nợ lương cho công nhân. Tuy nhiên, trước làn sóng phá sản và đóng cửa hàng loạt cơ sở sản xuất đang lan rộng, những biện pháp này cũng chả phát huy mấy tác dụng.  

“Ăn Tết tiết kiệm. Nghĩ và làm nhiều hơn cho người nghèo”- Câu nói này giờ đây còn hơn là một khẩu hiệu, nó phải được hiểu như một thông điệp nhân ái cần được lan toả trong toàn xã hội./.