Nghề làm tranh Đông Hồ có từ hàng trăm năm trước còn nghề hàng mã mới xuất hiện được vài chục năm nay. Do tranh Đông Hồ ngày càng được ít người ưa chuộng nên hiện nay chỉ còn một số nhà duy trì nghề tranh như gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Hữu Sam… còn các hộ khác trong làng đều chuyển sang làm hàng mã,
Mỗi hộ chuyên cung cấp một mặt hàng riêng biệt như: quần áo, giày dép, voi, ngựa, thuyền rồng, tiền vàng… Các năm gần đây, do nhu cầu của xã hội nên nhiều gia đình còn sản xuất ô tô, xe máy, điện thoại, vô tuyến… với mẫu mã vô cùng bắt mắt.
Ông Nguyễn Thiện Nghinh (chủ cơ sở Nghinh Viết) chuyên làm thuyền rồng chia sẻ: “Mẫu mã năm nay không có nhiều thay đổi so với các năm trước, giá cả dao động từ 13.000 - 20.000 đồng/chiếc thuyền. Các hộ buôn nhỏ lẻ khi nhập hàng về, giá bán có thể lên tới 50.000 đồng/chiếc”.
Nghề làm hàng mã diễn ra quanh năm nhưng tất bật nhất vào dịp rằm tháng Bảy và Tết nguyên đán. Vào vụ, mỗi gia đình có thể sản xuất được vài trăm tới hàng ngàn bộ mũ áo ông Công, ông Táo, tiền vàng các loại. Mỗi hộ sản xuất đều tận dụng nhân lực của gia đình để kiếm thêm thu nhập. Gia đình ông Ngọ (49 tuổi) chuyên sản xuất voi, ngựa cho biết: “Mặt hàng này chạy nhất vào dịp đầu năm bởi khi đó nhiều khách hàng có nhu cầu “mở phủ”. Giá mỗi “ông” ngựa, voi loại nhỏ là 150.000 đồng, loại to là 250.000 đồng. Tận dụng hết nhân lực trong nhà, mỗi tháng gia đình tôi kiếm thêm được 1.000.000 – 2.000.000 đồng”.
Nhờ sự phát triển và ngày càng chiếm ưu thế của nghề hàng mã mà cuộc sống của người dân nơi đây được cải thiện nhanh chóng. Do đó, hiện nay làng Đông Hồ được nhắc tới như một “đại công xưởng” sản xuất hàng mã có quy mô lớn nhất nhì cả nước thay vì nghề làm tranh dân gian nổi tiếng trước kia.