Liên quan đến vụ Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh bán 42 cá thể tê tê, ngày 6/2/2015, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh có Công văn số 24/CCKL-TTPC báo cáo UBND tỉnh Bắc Ninh xử lý vụ vi phạm vận chuyển 42 cá thể tê tê nhận bàn giao của C49 – Bộ Công an.
Viện dẫn quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh cho rằng, 42 cá thể tê tê với khối lượng 201kg được xác định là loại tê tê Java thuộc nhóm IIB (nhóm động vật rừng hạn chế khai thác, sử dụng vào mục đích thương mại).
Do tình trạng sức khỏe của các cá thể tê tê ốm yếu, không có cơ sở khoa học để xác định được có nguồn gốc gây nuôi hay từ tự nhiên; xác định giá trị tang vật được hội đồng định giá tham khảo giá thị trường là 1,2 triệu đồng/kg.
Đối với việc xử lý 42 cá thể tê tê, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh trích dẫn Điểm a, Khoản 1, Điều 6 Nghị định 157/2013/NĐ-CP.
Theo công văn, toàn bộ số tiền bán tê tê đã được nộp vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Bắc Ninh.
ENV phản ứng về giải trình của Chi cục Kiểm lâm Bắc Ninh
Trước thông tin mà Chi cục Kiểm lâm báo cáo UBND tỉnh Bắc Ninh và được một số cơ quan báo chí đăng tải, chiều 9/2, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã có những phản ứng về vụ việc.
Theo ENV, Nghị định 32/2006/NĐ-CP quy định tê tê Java là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB.
Tuy nhiên, vào năm 2013, Nghị định 160/2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1/1/2014) đã liệt kê cả 2 loài tê tê (bao gồm tê tê vàng và tê tê Java) của Việt Nam trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 19, Nghị định 160/2013/NĐ-CP thì “Chế độ quản lý đối với loài thuộc Danh mục động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được xác định là loài ưu tiên bảo vệ được áp dụng theo quy định tại Nghị định này”.
Do đó, chế độ quản lý đối với tê tê Java phải được áp dụng theo quy định tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP, kể cả vấn đề xử lý tang vật bị tịch thu đã được quy định rõ ràng tại Điều 14 Nghị định 160/2013/NĐ-CP.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh viện dẫn không biết rõ nguồn gốc 42 cá thể tê tê bị thu giữ có “nguồn gốc gây nuôi hay từ tự nhiên”, theo ENV, điều này thể hiện sự hiểu biết còn rất hạn chế của các cán bộ thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) của tỉnh Bắc Ninh.
Theo ENV, nếu những cá thể tê tê Java có nguồn gốc gây nuôi thương mại từ các trang trại hợp pháp và có giấy phép vận chuyển hợp lệ thì các cá thể tê tê này cần được trả lại cho chủ sở hữu theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, thực tế là cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh đã tịch thu các cá thể tê tê Java nói trên.
Điều đó chứng tỏ đối tượng đã không thể chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng tê tê được vận chuyển.
Trong trường hợp tê tê Java bị vận chuyển trái phép thì việc xác định “nguồn gốc gây nuôi hay từ tự nhiên” là không cần thiết bởi lẽ việc xử lý tang vật đối với loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bị tịch thu sẽ phải áp dụng các quy định tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP.
Vì vậy, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh trích dẫn Điểm a, Khoản 1, Điều 6 Nghị định 157/2013/NĐ-CP liên quan đến xử lý tang vật động vật rừng còn sống sau khi tịch thu là không đúng quy định của pháp luật.
Phạm vi điều chỉnh của Nghị định 157/2013/NĐ-CP đã nêu rõ “Nghị định này quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính”.
Tuy nhiên, theo ENV, các vi phạm đối với loài tê tê phải được áp dụng quy định tại Điều 190 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) để xử lý và do đó việc áp dụng văn bản về xử phạt vi phạm hành chính để xử lý tang vật trong vụ việc hình sự là không đúng quy định của pháp luật.
Đồng quan điểm với ENV, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết: “Năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nhằm thực thi Điều 190 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 1999.
Theo đó, các hành vi vi phạm đối với các loài động vật thuộc Danh mục ban hành kèm theo Nghị định 160 /2013/NĐ-CP sẽ phải xem xét, xử lý hình sự theo quy định tại Điều 190 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 1999.
Bà Nhàn nhấn mạnh: “Tê tê là động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/11/2013, theo đó các hành vi vi phạm đối với tê tê phải được xem xét, xử lý hình sự theo Điều 190 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2009”./.