Ở các khu chợ dân sinh tại Hà Nội hiện nay điều kiện về vệ sinh an toàn trong khi giết mổ gia cầm rất kém, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Đặc biệt, khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, thu giữ, các tiểu thương còn chống đối, giằng co và thậm chí chống lại lực lượng chức năng.

Để hiểu rõ hơn về tình trạng buôn bán thịt gia cầm sống, PV đã tới khảo sát tại chợ Nguyễn Công Trứ (Phường phố Huế, quận Hai Bà Trưng). Theo quan sát, các hộ kinh doanh gia cầm đều treo biển đại lý “Thịt gà sạch Phúc Thịnh” của Công ty cổ phần Phúc Thịnh. Bên cạnh gà sạch là các lồng gà sống bày bán công khai.

ga-1.jpg
Tình trạng bán gà chưa qua giết mổ được bày bán công khai tại chợ Nguyễn Công Trứ (Hà Nội)

Được biết, Công ty Phúc Thịnh là đơn vị được UBND thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ giết mổ, phân phối sản phẩm thịt gà sạch cho người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô. Nhưng nguồn gà sống ở chợ Nguyễn Công Trứ có phải do công ty Phúc Thịnh cung cấp hay các tiểu thương cố tình bán sản phẩm gà sống bên cạnh gà sạch?

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Cương – Đội trưởng đội quản lý thị trường số 5 (Chi cục quản lý thị trường Hà Nội) cho rằng:“Đối với các tiểu thương cần đề nghị làm rõ về dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Cụ thể, họ ghi biển rất rõ “Gà sạch Phúc Thịnh”, vậy có phải là gà sạch Phúc Thịnh không? Nếu có giấy phép mà giấy phép chỉ kinh doanh gà sạch thôi, trong khi tiểu thương lại kinh doanh gà lông thì sẽ bị thu hồi giấy phép. Phúc Thịnh có ghi biển đại lý, vậy có đại lý không? Nếu là đại lý giả thì sẽ xử lý người treo biển. Nếu đại lý thật thì công ty Phúc Thịnh phải có trách nhiệm”.

Ngày 9/5, khi lực lượng có kế hoạch kiểm tra các ki ốt bán gà chưa qua giết mổ tại chợ Nguyễn Công Trứ, thì lạ thay, những con gà đã biến mất không để lại dấu tích, dù trước đó ít phút tình trạng bày bán vẫn công khai, tràn lan.

Phải chăng kế hoạch làm việc của các cơ quan chức năng bị rò rỉ? Nghiêm trọng hơn, trong lần ra quân trước đó, khi bị kiểm tra, các tiểu thương bán gà tại chợ Nguyễn Công Trứ đã sập cửa cố thủ trong ki ốt để cất giấu gà. Quầy hàng nào không kịp chốt cửa thì chống đối dữ dội và không ngại giằng giật lại gà đã bị thu giữ từ lực lượng chức năng.

Ông Nguyễn Trí Viễn, Phó đội trưởng Đội cảnh sát môi trường quận Hai Bà Trưng nói:“Kinh doanh gà lông đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Từ trước đến giờ, tâm lý của bà con đi chợ bao giờ cũng muốn mua gà sống, gà tươi. Bây giờ, trong thời điểm có dịch, chúng ta muốn thay đổi nhận thức của người dân là rất khó. Trước đó chúng tôi làm, nhưng ngay hôm sau họ lại tiếp tục kinh doanh. Tuy lực lượng của mình đông, nhưng tập hợp khó, vì mỗi người một mảng, như kiểu ném đá ao bèo, thì vấn đề sẽ không được giải quyết triệt để”.

Theo lãnh đạo UBND phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng), việc xóa bỏ các ki ốt này là nan giải và khó khăn. Tuy nhiên, ông Doãn Đức Bảo, Phó chủ tịch UBND phường Phố Huế đã đưa ra 1 giải pháp mà ít ai nghĩ rằng nó sẽ khả thi để dẹp bỏ hoàn toàn các ki ốt bán gà sống này: “Có một điều khó ở đây là các Ki ốt thuộc công ty Hòa Bình Maria. Nhiều năm trước, chúng tôi đã làm việc với công ty, nhưng vướng 1 vấn đề là họ đã cho thuê ki ốt đó. Do đó, yêu cầu phía công ty không cho thuê nữa là điều rất khó. Nếu quận yêu cầu việc công ty Hòa Bình Maria cắt được hợp đồng cho thuê thì chắc chắn ở đó sẽ không bán được gà lông”.

Dù biết gà không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch chất lượng và giết mổ trong tình trạng mất an toàn vệ sinh, nhưng dường như người dân vẫn chủ quan.

Nếu không được các ngành chức năng quản lý và ngăn chặn sớm, tình trạng buôn bán và giết mổ gia cầm tràn lan và mất vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay là đáng báo động, tiềm ẩn nguy cơ lây lan, phát sinh bệnh cúm gia cầm H5N1 ở Thủ đô.

Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng này thì một trong những biện pháp không kém phần quan trọng vẫn là tăng cường tuyên truyền đến người dân, giúp nhân dân nhận thức được mối nguy hại trực tiếp đến bản thân và cộng đồng mà thay đổi một thói quen đã tồn tại từ lâu./.