Lâu nay, tình hình trên đường sá, giao thông ở nước ta xem ra có rất nhiều vấn đề phải bàn, vì nó không chỉ liên quan đến việc đi lại mà còn biểu hiện cả ý thức và văn hóa của người tham gia và cộng đồng xã hội. Ở đây chỉ xin được đề cập thực trạng mà ai cũng thấy mỗi khi ra đường, nhất là ở các thành phố lớn. Đó là vấn đề truyền thông, quảng cáo trực quan trên đường phố.

Đã từ lâu mọi người đều thừa nhận, hiệu quả của truyền thông, quảng cáo, quảng bá trực quan sẽ góp phần quan trọng chuyển thông điệp một cách mạnh mẽ và sinh động nhất đến với công chúng, với cộng đồng; nhiều vấn đề hệ trọng liên quan đến quốc kế dân sinh nhờ qua truyền thông, quảng cáo, quảng bá trực quan trên đường mà huy động được sức mạnh của cả cộng đồng vào cuộc, làm nên  những việc phi thường. Đối với doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà kinh doanh thì quảng bá, quảng cáo trực quan với mong muốn công chúng, khách hàng biết đến nhãn hiệu, thương hiệu hàng hoá nhằm kích thích tiêu dùng.

Cũng chính vì hiệu quả như vậy nên gần như đi trên các con đường ở bất cứ một thị trấn, thị tứ, thành phố nào, người tham gia giao thông lại bắt gặp một vài hình ảnh của pa nô, áp phích, bảng hiệu, băng rôn, cờ phướn…thông tin tuyên truyền, quảng bá, quảng cáo về một vấn đề nào đó.

pano_tren_duong_jczt.jpg

Treo lâu dài, đóng khung trang trọng thì có các pa nô điển hình như “Sống và Làm việc theo hiến pháp và Pháp luật”, “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người mọi nhà”, hay ở vùng nông thôn thì có khẩu hiệu “Chung sức xây dựng nông thôn mới”. Còn treo theo thời vụ, theo dịp kỷ niệm thì đủ các loại băng rôn, cờ phướn với các câu đại loại như” Sử dụng điện tiết kiệm”, hay” chào mừng Festival” …

Với tính hiệu quả của truyền thông trực quan nên nhiều cơ quan, đoàn thể tổ chức lễ kỷ niệm, đón nhận các danh hiệu thi đua, gặp mặt cuối năm cũng treo băng rôn thông tin, quảng bá. Và  khi cơ quan, đoàn thể được treo, phát huy hiệu quả thì các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác, ngày khánh thành nhà máy, ra quân, bàn giao nhà, động thổ, lễ khởi công công trình, một sản phẩm mới hay một show diễn có có ca sĩ … cũng treo băng rôn, áp phích quảng cáo. 

Để quản lý vấn đề này, ngành văn hóa các địa phương đều có quy định. Các tập thể, cá nhân muốn treo nội dung, hình thức ra sao cũng phải xin phép, chứ không chỉ làm tùy tiện, gây mất mỹ quan đô thị. Tuy nhiên vì mong muốn chuyển thông điệp đến công chúng nhanh nhất, trực quan nhất mà ở nhiều nơi đã xảy ra tình trạng treo băng rôn, áp phích quảng bá dày đặc, cái nọ chồng cái kia. Ở nhiều con đường, các cột điện, hàng cây cách nhau chưa đầy 10 m lại thấy băng rôn, áp phích đủ loại, kích cỡ được treo dày đặc. Đó là chưa kể các bảng hiệu của hàng quán, công ty, cửa hàng, cửa hiệu mọc lên như nấm ở 2 bên đường,  người đi đường nhìn đến hoa cả mắt. Nhiều sự kiện đã kết thúc từ mùa Hè song đến mùa Thu băng rôn, áp phích vẫn còn treo.

Ở một thành phố tại ĐBSCL, có một đoạn đường 5 km đi ngang qua giữa cánh đồng, người ta cũng cho làm cứ 7 m lại có một pa nô với dòng chữ nhỏ màu đỏ đề cập đến các vấn đề của địa phương trong khi đây là con đường huyết mạch, không có người đi bộ nên những người đi  ô tô và xe gắn máy không ai có thời gian để dừng lại đọc những dòng chữ nhỏ trên các pa nô tuyên truyền này. 

Hiện nay ở các đường trung tâm của các thành phố, đa số mọi người di chuyển bằng các phương tiện giao thông phổ biến là xe gắn máy và ô tô, ít người đi xe đạp, và người đi bộ lại càng hiếm. Do di chuyển nhanh, lại phải  lo điều khiển phương tiện cho an toàn, chắc chắn khó ai có đủ kiên nhẫn mà đọc đầy đủ nội dung của từng băng rôn, pa nô, áp phích nên có cần thiết phải treo những băng rôn dày đặc như vậy.

Thực tế ở nước ta, ở nhiều thành phố, thị tứ, đường sá ở nhiều nơi không phải chỗ nào cũng hẹp mà trên nhiều tuyến đường trở nên chật chội, bức bối là do mái che, mái vẩy; pa nô, áp phích đủ hình, đủ kiểu xuất hiện dày đặc không chỉ che khuất biển báo giao thông mà che khuất cả tầm nhìn khiến người tham gia giao thông rất lúng túng; đôi khi còn bị tai nạn giao thông vì các lý do trên.

 Do vậy để tránh tốn kém, lãng phí không cần thiết, rất cần một lập lại trật tự trong truyền thông, quảng cáo, quảng bá trực quan trên đường hiện nay. Các băng rôn, pa nô, áp phích nên làm đủ rộng, đủ lớn, treo vừa đủ để mọi người tiếp nhận, không nên treo quá nhiều, quá dày, nội dung cũng nên dễ hiểu, dễ nhớ và dễ gây thiện cảm với người đi đườn.

Ở một số nơi đã thực hiện việc không tặng hoa, cài nơ áo khi khánh thành, dịp lễ lạt là một cách làm hay; vậy vấn đề truyền thông, quảng cáo, quảng bá trực quan trên đường phố nếu thấy không thật sự cần thiết thì cũng nên hạn chế bớt vừa tránh lãng phí, đồng thời trả lại cho đường sá được phong quang, sạch đẹp. Ngành văn hoá các địa phương cũng nên thường xuyên quan tâm chấn chỉnh thực trạng này./.