Dịch sởi chỉ xuất hiện rải rác tại các tỉnh, thành phố đồng bằng nhưng điều đáng lo ngại hiện nay là dịch bệnh này có nguy cơ đang bùng phát mạnh tại các tỉnh miền núi phía Bắc vì tỷ lệ tiêm phòng thấp. Đó là nhận định của Cục Y tế dự phòng tại cuộc họp trực tuyến do Bộ Y tế tổ chức hôm nay tại Hà Nội, với sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, các viện Pasteur và lãnh đạo Sở Y tế các địa phương đang có bệnh sởi lưu hành nhiều.
Theo thống kê của ngành y tế, từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 1.000 trường hợp mắc bệnh sởi, gần bằng số mắc của cả năm 2013; trong đó ít nhất 4 ca tử vong.
Tại Hà Nội và các tỉnh thành đồng bằng Bắc Bộ, bệnh sởi xuất hiện rả rác nhưng có nhiều ca biến chứng nặng phải chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Từ tháng 2, trung bình mỗi ngày, bệnh viện này tiếp nhận gần chục bệnh nhi mắc sởi; ngày cao nhất lên đến 16 trường hợp. Các ca biến chứng nặng nhất chủ yếu dưới 9 tháng tuổi, chưa đến tuổi tiêm vắc xin phòng sởi.
Tại miền Nam, bệnh sởi cũng xuất hiện rải rác, trong đó xảy ra chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh, trung bình mỗi tuần có gần 30 ca bệnh, tập trung ở phía tây thành phố. Chủng của virus gây dịch sởi tại đây là xâm nhập từ bên ngoài vào vì trước đó, chủng này được phân lập nhiều tại Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia... Những trẻ mắc sởi ở miền Nam có 43% dưới 18 tháng tuổi, đặc biệt là có 13% dưới 9 tháng tuổi.
Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tỷ lệ tiêm phòng sởi của cả nước năm qua đạt trên 90%. Tuy nhiên, trong cộng đồng luôn có khoảng từ 10 đến 15% trẻ sau khi tiêm vaccine vẫn có thể mắc bệnh và số trẻ không được tiêm phòng hoặc chưa đến tuổi tiêm nhưng miễn dịch kém nên nguy cơ mắc cao. Tất cả số trẻ này tích lũy dần sau 3 đến 5 năm sẽ gây nên dịch sởi. Điều lo ngại nhất hiện nay là dịch sởi có nguy cơ bùng phát mạnh tại các tỉnh miền núi phía Bắc vì tỷ lệ tiêm phòng thấp.
Ông Trần Đắc Phu cho biết: “Bệnh sởi tại các thành phố và vùng đồng bằng chỉ ở mức độ rải rác không đáng lo ngại. Nhưng ở các tỉnh miền núi thì đáng lo ngại. Thứ nhất là dịch sởi tại nước láng giềng Trung Quốc đang bùng phát nhiều; thứ là mặc dù tỷ lệ tiêm phòng sởi của cả nước đạt trên 90% nhưng tại miền núi có những vùng lõm quy mô xã, huyện tỷ lệ tiêm phòng không cao chỉ đạt 70-80%; chính vì vậy dịch bệnh bùng phát. Đặc biệt bệnh sởi đã nhiễm virus là phát bệnh 100%”.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai tiêm vét vắc xin sởi cho gần 200.000 trẻ chưa tiêm mũi 1 hoặc mũi nhắc lại ngay trong tháng 3 để góp phần khống chế dịch sởi. Bộ Y tế sẽ thành lâp 5 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh này tại các địa phương. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng lo ngại nguy cơ dịch chồng lên dịch khi dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc đã tiến sát biên giới với nước ta và ngày 14/2 đã ghi nhận ca nhiễm cúm A(H7N9) tại Malaysia. Tuần tới, Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến để tăng cường cường giám sát chủng cúm này cũng như cúm A(H5N1)./.