Bây giờ kinh tế phát triển, lại sống ở nơi phồn hoa đô hội, Tết đã ấm no, đủ đầy. Nhưng vẫn tha thiết nhớ về những cái Tết xa xưa, tết của thời thơ bé, trong trẻo, đầy mùi vị và nhiều thương nhớ.
Nhớ những ngày quãng 25, 27 tháng Chạp, cả khu tập thể ồn ào, náo nhiệt chung nhau đụng lợn. Tiếng lợn kêu eng éc hòa cùng những bước chân hối hả. Tiếng sai bảo í ới của các ông bố, tiếng bàn tán, chia chác, cân đo của các bà mẹ. Và cả tiếng nô đùa rộn rã của những đứa trẻ. Tất cả tạo nên một âm thanh hoan hỉ chỉ có trong thời bao cấp đầy khó khăn. Thời mà, cái gì cũng phải xếp hàng mua theo tiêu chuẩn tem phiếu, từ thịt, đậu, nước mắm, đỗ, lạc cho đến… lá dong, bó lạt. Và thịt trở thành thứ hàng “xa xỉ”, là “nỗi lo” thường trực của các ông bố, bà mẹ mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Nhớ những sáng tinh mơ, rét cắt da, cắt thịt, cùng mẹ thắp đèn đãi đỗ, vo gạo chuẩn bị gói bánh chưng. Trong tờ mờ sương sớm, mùi khói bếp bay lên, hòa quyện cùng mùi thơm của gạo nếp cái, mùi của đỗ mới, mùi của lá dong tạo nên một hương vị và không gian vô cùng đặc biệt.
Mẹ thường nói, ngày tết dù mâm cao cỗ đầy đến đâu cũng không thể thiếu được cặp bánh chưng. Mà ngày đó, làm gì có mâm cao, cỗ đầy nên bánh chưng vừa là biểu tượng vừa là món ăn chính của những ngày Tết. Vậy nên, gạo, đỗ, thịt, hành, lá dong đều được mẹ lựa chọn kỹ càng, làm sạch cẩn thận. Gạo gói bánh phải là loại ngon nhất, gạo nếp cái hoa vàng được mẹ nhờ bà ngoại gom góp ở quê từ hồi trong năm. Thịt phải chọn miếng nửa nạc, nửa mỡ, ướp gia vị, hạt tiêu vừa đủ. Lá dong phải xanh thẫm, bản rộng và là loại lá bánh tẻ, không quá non hoặc quá già. Công đoạn nào trong việc gói bánh chưng đối với mẹ đều quan trọng cả, từ khâu rửa lá, đồ đỗ… đến khâu gói bánh, luộc bánh… Vị thơm, ngon, vừa độ của mỗi chiếc bánh như là cả tâm sức của mẹ vậy. Dường như với mẹ, bánh chưng còn biểu thị cho sự sung túc, no đủ sau một năm làm lụng vất vả.
Nhớ lắm đêm lạnh co ro, ngồi bên bếp lửa canh nồi bánh chưng. Cái nóng của bếp làm hồng đôi má, rát cả da thịt giữa trời lạnh hanh hao. Nhớ mùi khoai lang thơm phức vùi trong đống trấu như một món ăn lót dạ giữa đêm khuya trong lúc chờ bánh chín. Nhớ cái đập tay của thằng út, gọi lúc đang gà gật: dậy vớt bánh thôi, đầy háo hức, mê say.
Nhớ một chiều giáp Tết, ngồi sau xe đạp của bố vào làng Bình Đà mua pháo. Thôi thì, tấp nập người tứ xứ ra vào, kẻ buôn, người bán. Những dây pháo tôm, pháo tép xanh đỏ, hồng vàng sặc sỡ treo đầy sân. Những quả pháo cối to đùng đầy sức hút. Mùi thuốc pháo đặc quánh không gian. Thật không hổ danh câu: "Nhất pháo Bình Đà, Nhất gà Đông Tảo" để nói lên sự trứ danh của làng pháo Bình Đà ngày ấy. Bây giờ Bình Đà đã đoạn tuyệt với pháo bởi chủ trương của Nhà nước và bởi sự nguy hiểm do pháo đưa lại. Và pháo chỉ còn là kí ức một thời của bọn trẻ chúng tôi.
Nhớ mùi lá mùi già thơm bảy gian nhà, ba gian bếp mẹ nấu. Hít hà mùi hương ấy, mọi buồn vui, hối hả như lắng lại trong lòng thay vào đó là một không gian thanh tao, thuần khiết đến vấn vương. Mẹ bảo, tắm nước lá mùi vào ngày cuối năm để xua đuổi những vận đen, xua đuổi những muộn phiền, xua đuổi những bụi trần vướng bận để rồi sẵn sàng tâm thế nghênh đón những niềm vui, may mắn và hạnh phúc. Chẳng biết điều đó có đúng không? Nhưng hương thơm của lá mùi già cứ lưu luyến mãi từ đời này, sang đời khác như một nghi thức không thể thiếu đối với nhiều người.
Nhớ chiều 30 Tết, được mẹ nắm tay đi dạo chợ hoa Hàng Lược, ngắm đào thắm, đào phai. Ngắm những chậu hoa cúc, thủy tiên, hải đường, thược dược rực rỡ khoe sắc thắm. Ngắm những gương mặt mãn nguyện vì đã sắm được cành đào, cây quất ưng ý. Ngắm nụ cười e ấp của những thiếu nữ du Xuân. Chợ hoa Hàng Lược không chỉ bán hoa tươi mà còn bày bán các đồ trang trí, hoa lụa, phong bao lì xì và cả câu đối Tết. Chừng ấy thôi, cũng đủ sức làm mê mẩn bao người, đặc biệt là trong ánh mắt hấp háy của những đứa trẻ.
Nhớ đêm giao thừa, trong khoảnh khắc linh thiêng, trời đất giao hòa, giữa thơm ngát hương trầm cha thắp, được quây quần bên ông bà, cha mẹ nếm vị mứt mới và nghe lời chúc sang Xuân.
Thật ra, Tết vẫn vậy và mùa xuân năm nào cũng thế, đến và đi theo quy luật của tạo hóa, của đất trời. Chỉ có con người và những nét văn hóa, sinh hoạt đổi thay cùng năm tháng. Có những nét văn hóa truyền thống vẫn được gìn giữ và lưu truyền từ đời này sang đời khác qua cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Nhưng cũng có những điều chỉ còn lại trong kí ức, trong nỗi nhớ của mỗi chúng ta. Những hộp mứt tết, những chai rượu chanh, rượu mơ đã được thay bằng những loại rượu, bánh kẹo ngoại đắt tiền. Làng đào Nhật Tân nổi tiếng bậc nhất kinh kỳ khi xưa nay đã thành khu đô thị sầm uất.
Tiếp nối những người nông dân, những nghệ nhân làng đào là những thế hệ bác sỹ, kĩ sư… và Hà Nội của bây giờ đâu chỉ có chợ hoa Hàng Lược, thêm vào đó là chợ hoa Quảng An, Tây Hồ, Hàng Đậu… Thú ngắm hoa tao nhã, cảm nhận một nét văn hóa tết đặc sắc của mảnh đất ngàn năm văn hiến cũng chỉ còn trong tâm trí của bao người. Giờ đây, khi đa phần cuộc sống đã đủ đầy, no ấm, thay vì tất bật, ngược xuôi lo cho 3 ngày tết như ông bà cha mẹ, chúng ta chỉ cần một cú click chuột máy tính tết đã đầy nhà.
Song nỗi nhớ và những kí ức sẽ là sợi dây neo giữ, chuyển tiếp những nét văn hóa xưa qua từng thế hệ, để dòng chảy văn hóa không bao giờ bị ngắt đoạn. Những mùa xuân rồi sẽ tiếp nối và đi qua nhưng văn hóa, hương vị Tết cổ truyền của dân tộc sẽ được bồi đắp từ đời này qua đời khác góp phần tạo nên nền tảng văn hóa lâu đời./.