Trong đợt rét đậm kèo dài vừa qua, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có nơi nhiệt độ xuống dưới dưới 5 độ C, trong đó tại các huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã xảy ra hiện tượng băng tuyết và sương muối.
Theo báo cáo từ các địa phương, đến nay đã có 11 con gia súc tại hai xã Cao Phạ và Nậm Có của huyện Mù Cang Chải bị chết rét, chủ yếu là trâu già và nghé. Trong trồng trọt cũng đã có hàng chục hécta mạ, cây trồng, đồng cỏ bị chết, chậm phát triển hoặc hư hỏng…
Theo dự báo, thời gian tới sẽ tiếp tục có các đợt rét đậm, rét hại nên các địa phương trong tỉnh Yên Bái đang tích cực đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại. Cụ thể là thực hiện hiện chặt chẽ các biện pháp kỹ thuật để chống đói, rét cho vật nuôi và cây trồng theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Ông Trần Đức Lâm, phó giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: “Việc che chắn chuồng trại, nuôi nhốt gia súc, bổ sung thức ăn tinh là những biện pháp hết sức cần thiết. Hiện nay chúng tôi chỉ đạo các địa phương, chính quyền và người dân tích cực, chủ động phòng chống rét cho đàn gia súc”.
** Tại tỉnh Sơn La, thống kê sơ bộ đã có 570 con gia súc, chủ yếu là trâu, bò, bê, nghé bị chết rét; trên 1.100ha cây cà phê bị thiệt hại do sương muối. Ngoài ra, gần 500ha cây hàng năm như ngô, rau, mía cũng không cho khả năng thu hoạch do ảnh hưởng của rét hại.
Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết, trong những ngày tới, thiệt hại có thể còn tăng do miền Bắc tiếp tục có đợt rét đậm tăng cường. Ngành nông nghiệp Sơn La đang tích cực hướng dẫn người dân củng cố chuồng trại, che chắn gió và chú ý bổ sung nguồn thức ăn tinh, vỗ béo cho gia súc để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Đồng thời, hướng dẫn người dân khắc phục, cũng như chăm sóc cây cà phê đúng cách, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do giá rét gây ra.
** Theo thống kê, từ giữa tháng 12 đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có gần 140 con trâu, bò bị chết rét. Trong đó chủ yếu là trâu, bò già và nghé từ 2 đến 3 tháng tuổi, khả năng chịu rét kém.
Tỉnh Điện Biên đang tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện che chắn chuồng trại; đảm bảo cung cấp thức ăn tại chuồng cho gia súc; không chăn thả trâu, bò khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C; đưa trâu, bò từ vùng cao xuống vùng thấp để chăm sóc, tăng sức đề kháng cho gia súc trong điều kiện giá rét sẽ tiếp tục kéo dài. Bà Cao thị Tuyết Lan, Phó giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết: “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những văn bản chỉ đạo về phòng chống rét cho cây trồng vật nuôi, đồng thời hướng dẫn về chuyên môn phòng chống rét cho vật nuôi; tập trung chú ý trước hết là thức ăn, tuyên truyền vận động người dân đưa trâu bò về nhà, không thả trên rừng và che chắn các chuồng trại”./.