Tối 20/8 (tức 14 /7 Âm lịch), chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) đã tổ chức Đại lễ Vu Lan báo hiếu. Hàng nghìn người đến từ khắp nơi có chung một lòng thành kính đã về tham dự.

Vốn là một ngôi chùa được xem là linh thiêng vào bậc nhất Hà Nội, hằng năm vào Rằm tháng Giêng và Rằm tháng 7 âm lịch, chùa Phúc Khánh luôn có hàng nghìn phật tử đến đăng ký làm lễ. Được biết, bắt đầu sang tháng 7 âm lịch, phật tử đã tấp nập đến chùa để làm lễ Vu lan. Cũng như mọi năm, vào ngày chính lễ, hiện tượng “quá tải” do lượng người tham dự quá đông vẫn diễn ra. Không chỉ ngồi chật kín trong khuôn viên chùa, dòng người đứng xếp hàng kéo dài tới ngoài cổng chùa, thậm chí sang cả phía đường Láng, tràn lên cả cầu vượt Ngã Tư Sở để tụng kinh.

Mặc dù 19h lễ mới chính thức tiến hành nhưng không ít Phật tử phải đến từ buổi chiều để giữ chỗ. Vào 16h, tại điện Tam Bảo, nơi diễn ra lễ chính, hàng trăm người xếp chật cứng, không còn lấy một chỗ trống. Ngoài sân chùa, bậc cầu thang, khuôn viên... người ngồi cầu khấn đông nghịt.

Cũng như nhiều chùa khác, năm nay, chùa Phúc Khánh nghiêm cấm mang lễ đồ mã. Những chiếc xe máy, nhà lầu, ipad... hàng mã vì thế cũng không còn xuất hiện. Chỉ còn tiền vàng, tiền âm phủ và áo giấy được sử dụng. Các gia đình đi lễ thường có thêm mâm cúng chúng sinh, gạo muối, các loại bỏng, xôi oản, bánh kẹo, tiền vàng đặt dưới sảnh đi vào điện chính cho những linh hồn lang thang không nơi nương tựa, không còn người thân ở trần gian hoặc oan hồn. Ngoài các đồ lễ, người dân còn mua thêm cá, ốc, chim sẻ… để làm lễ phóng sinh nhằm cứu khổ, cứu nạn cho các sinh linh.

Càng gần giờ hành lễ, dòng người đổ về chùa càng đông. Cơn mưa kéo dài không ngăn nổi bước chân những người dân, Phật tử hướng về đại lễ Vu Lan. Các bãi đỗ xe tự phát trước cổng chùa luôn trong tình trạng chật cứng, phải xếp tràn xuống cả lòng đường.

Dự đoán trước tình hình, lực lượng chức năng đã có mặt tại khu vực chùa Phúc Khánh từ đầu giờ chiều để giữ gìn an ninh trật tự, cũng như làm nhiệm vụ phân làn giao thông. Tuy nhiên, do lượng người quá đông, tình trạng ùn tắc cục bộ vẫn diễn ra.

Đã thành lệ, năm nào đến Rằm tháng 7, bác Ngân (Phan Bội Châu, Hoàn Kiếm, Hn) cũng đi chùa làm lễ. Bác Ngân tâm sự: “Báo hiếu không phải là chuyện trong một ngày, nhưng tôi tin vào những ngày như thế này, ở nơi chín suối các cụ sẽ mừng hơn khi biết con cháu đang cầu nguyện cho mình, và bản thân tôi cũng thấy mình tĩnh tâm hơn để tiếp tục sống tốt. Vì vậy, dù vất vả, năm nào tôi cũng đi”.

Dù xa nhà, nhưng Nguyễn Hà Oanh (Sinh viên ĐH KHXH &NV, Hà Nội) vẫn đi chùa dự lễ. Oanh cho biết: “Tham dự lễ Vu Lan làm cho tôi có nhiều thời gian để nhìn lại mình, nghĩ về chữ hiếu với gia đình, bố mẹ, tĩnh tâm hơn và sống chín chắn hơn”./.
Một số hình ảnh tại lễ Vu Lan của chùa Phúc Khánh do PV VOV online ghi lại: 
14.jpg
Ngay từ  đầu giờ chiều đã có nhiều người tới chùa Phúc Khánh để chuẩn bị cho ngày đại lễ. 
Bên trong điện Tam Bảo, ngay từ 16h, lượng người làm lễ đã chật kín
Người dân đến dự lễ tìm chỗ trú mưa
Tranh thủ ăn vội bát cơm trước khi đến giờ hành lễ
Cơn mưa nặng hạt khiến cho nhiều người phải che ô trong sân chùa
Càng về tối, lượng người đổ về càng thêm đông
Mặc dù bên trong chùa đã kín chỗ, nhưng nhiều người vẫn muốn vào tận nơi làm lễ
Đoạn đường Tây Sơn, chân cầu vượt Ngã Tư Sở đông nghịt
Giao thông ùn tắc cục bộ
Nhiều người dân không vào được chùa đã cầu khấn ở bên ngoài
Ánh mắt luôn dõi về phía cửa chùa
Đứng trên cầu vượt hướng về phía chùa
Không chỉ có người lớn tuổi...
... mà nhiều bạn trẻ cũng đội mưa dự lễ