Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đăng tải những thông tin, hình ảnh về tình trạng chèn ép, móc ngoặc để lừa đảo khách du lịch trên địa bàn Thủ đô đã gây ra hiệu ứng tiêu cực cho ngành Du lịch Hà Nội. Vậy phản ứng của ngành Du lịch để xử lý các hiện tượng này như thế nào? Phóng viên Đài TNVN đã có cuộc trao đổi với ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội về nội dung này.
PV:Thưa ông, những thông tin trên báo chí thời gian qua đã phản ánh những chiêu trò chèn ép, lừa đảo khách du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ông có thể cho biết rõ hơn thực tế này là như thế nào?
Ông Mai Tiến Dũng: Hiện trạng hiện nay về những việc người dân bản địa gây ra cho khách du lịch nhẹ nhất là đeo bám, chào kéo, quấy rầy khách. Ví dụ chèo kéo vào gửi xe, chèo kéo vào nhà hàng, hoặc ở đây là chèo kéo khách mua bưu ảnh, chèo kéo đánh giày, chèo kéo hàng rong, xích lô, xe ôm. Thứ hai là hiện tượng chặt chém, ví dụ giá taxi, vào hàng ăn cũng bị chặt chém, mua hàng bị kêu giá lên trời, đánh giày cũng bị nói một đằng nhưng tính tiền một nẻo. Dạng thứ ba là lừa đảo, ví dụ khách bảo chở đến chỗ này nhưng vòng vo rồi chở đi chỗ khác đấy là một dạng lừa đảo, hàng giả hàng thật, taxi dùng các con chíp để tính tiền cũng là một dạng lừa đảo, đánh giày cũng lừa đảo, khách không để ý là cố tình rạch một chỗ rồi đổ keo vào và bắt tính tiền, gánh rong cũng lừa đảo, gí mấy quang gánh có túi dứa rồi tính tiền thành mấy chục nghìn, trăm nghìn thậm chí là vài chục đô la. Cấp độ từ đeo bám, chèo kéo, hơn nữa là chặt chém, lừa đảo và cao nhất là trộm cắp, cướp giật.
PV:Trước thực trạng này, ngành Du lịch đã tham mưu, tư vấn thế nào cho các cơ quan chức năng khắc phục thưa ông?
Ông Mai Tiến Dũng: Thực tế lâu nay Hà Nội đều có những kế hoạch, biện pháp để ngăn chặn, xử lý tình trạng này. Ví dụ trước đây xích lô lộn xộn thì Hà Nội đã có chủ trương, văn bản quyết định chấn chỉnh lại hoạt động này, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và các lái xe xích lô du lịch, rõ ràng tình hình nó cũng tốt hơn lên. Thành phố cũng có văn bản quy định về tuyến phố bán hàng rong, tăng cường kiểm tra rõ ràng tình hình chèo kéo khách cũng đã giảm, khi có sự vào cuộc từ các cấp chính quyền cụ thể như phường, xã, ban ngành, lực lượng chức năng tăng cường thì rõ ràng tình hình có thay đổi. Ngay cả quản lý lễ hội cũng thay đổi. Hướng đi chung là như vậy, chính quyền có vào cuộc, sự hưởng ứng của các ban ngành, lực lượng chức năng cũng có, và người dân cũng hiểu điều đó, nên tình hình từng bước đã được cải thiện, môi trường du lịch đang tốt hơn lên. Tuy vậy, vẫn chưa triệt để.
PV:Thưa ông, việc triển khai những biện pháp mà ông vừa đề cập có gặp phải những khó khăn gì không ?
Ông Mai Tiến Dũng: Thứ nhất tất cả những đối tượng gắn với hiện tượng này đều có mục tiêu trục lợi, mà gắn với trục lợi thì có liên quan đến mưu sinh. Vì vậy giải quyết thì phải có sự đồng bộ của các cấp, các ngành, chứ ngành du lịch không thể giải quyết triệt để được. Nó liên quan đến các chính sách như thế nào, thế nên sự vào cuộc gặp khó khăn do chưa có đồng bộ, đặc biệt là đối với chính quyền cấp cơ sở cấp xã, phường. Cùng với đó là việc chưa có đồng bộ của các văn bản pháp luật. Một người gánh hàng rong, muốn quy kết tội người ta rất khó. Ngay cả trong ngành du lịch, vừa rồi cũng điều chỉnh những mức phạt theo Nghị định mới nhưng vẫn còn quá nhẹ để răn đe các sai phạm.
PV:Xin cảm ơn ông !./.