Thêm một lần nữa, 70.000 hộ dân các quận huyện: Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì, TP Hà Nội lại rơi vào cảnh không có nước sinh hoạt.

Bức xúc – đó là tâm trạng chung của hàng chục nghìn hộ dân sống trong vùng ảnh hưởng từ sự cố thường xuyên đường ống dẫn nước sông Đà về Hà Nội.

Ông Phạm Mạnh Cường (ở khu đô thị Đại Thanh, huyện Thanh Trì) cho biết, mỗi lần đường ống bị vỡ là mỗi lần người dân ở đây lại khốn khổ với những sinh hoạt tối thiểu.

ongnuoc_brog.jpg 

Đơn vị tiến hành đào đất để xác định chiều dài đoạn ống bị vỡ (Ảnh: Dân trí)

Ông Cường nói: “Chúng tôi rất bức xúc. Cuộc sống ở đây đảo lộn hoàn toàn do mất nước sinh hoạt hàng ngày. Chúng tôi rất bất bình trước giải thích cũng như xử lý sự cố của cơ quan cấp nước cũng như TP Hà Nội”.

Sự cố vỡ đường ống dẫn nước sông Đà về Hà Nội vào sáng nay là lần thứ 9 mà người dân thủ đô phải gánh chịu từ công trình được đầu tư 1.500 tỷ đồng này.

Không chỉ bức xúc về tình trạng thường xuyên bị mất nước sinh hoạt, người dân còn mong muốn cơ quan chức năng làm rõ: Vì sao một đường ống dẫn nước có số tiền đầu tư lớn, được đóng mác chất lượng Việt Nam, qua 6 năm đưa vào sử dụng lại hư hỏng nhiều đến thế?

Như thường lệ, sau mỗi lần xảy ra sự cố, đơn vị đầu tư, chịu trách nhiệm quản lý, vận hành là Công ty Nước sạch VINACONEX lại huy động nhiều máy xúc, máy ép và hàng trăm công nhân để “vá lại lỗ thủng”. Tính đến nay, kinh phí bỏ ra cho việc khắc phục vỡ ống này cũng lên đến gần 10 tỷ đồng.

Không dám khẳng định, còn hay không sự cố trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch VINACONEX cho biết, thời gian khắc phục đã được rút ngắn từ 72h xuống còn 11h.

Theo giải thích của ông Tốn thì đây là sự cố bất khả kháng. “Với công ty khi xảy ra sự cố thì dồn tổng lực để xử lý một cách nhanh nhất, để giảm phiền hà cho người dân”, ông Tốn nói.

Trước thực trạng công trình nghìn tỷ thường xuyên gặp sự cố, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội thừa nhận, thành phố chưa có sự phối hợp với chủ đầu tư kiểm tra, giám sát về thiết kế và thi công, nhất là về tuyến ống.

Để không phụ thuộc vào tuyến ống dẫn nước sông Đà, TP Hà Nội chỉ đạo VINACONEX đầu tư giai đoạn II dự án cấp nước Hòa Bình - Hà Nội, trong đó ưu tiên xây dựng tuyến ống truyền dẫn mới từ Hòa Lạc về đường vành đai III (Hà Nội), dự kiến triển khai ngay trong tháng 9/2014.

Ông Hùng cũng đồng thời khẳng định, nếu VINACONEX không đủ năng lực thực hiện thì thành phố sẽ chỉ đạo công ty nước sạch và các đơn vị đủ năng lực tài chính để thi công.

Sự cố vỡ đường ống dẫn nước sông Đà từ Hòa Bình về Hà Nội lần thứ 9 rồi cũng sẽ được khắc phục. Nhưng không ai dám chắc điều đó không còn tiếp diễn. Hàng chục nghìn hộ dân vẫn thấp thỏm, không biết phải sống cùng nỗi lo mất nước sinh hoạt đến bao giờ?./.