Từ nhiều năm nay, đồ chơi trẻ em có nguồn gốc từ Trung Quốc được bày bán tràn lan ở nhiều địa phương trong cả nước. Trong số đó có rất nhiều đồ chơi chưa được dán tem hợp chuẩn, chủ yếu là nhập lậu qua đường tiểu ngạch và trà trộn với các loại đồ chơi khác rồi bày bán công khai.

Mặc dù, theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, từ ngày 15/4/2010, đồ chơi trẻ em khi lưu hành trên thị trường phải được dán tem hợp chuẩn. Thế nhưng, hơn 1 năm trôi qua, việc triển khai dán tem quy chuẩn chất lượng trên các mặt hàng đồ chơi trẻ em vẫn chưa được các cửa hàng kinh doanh thực hiện nghiêm túc và triệt để. Bao giờ trên thị trường mới có 100% đồ chơi hợp chuẩn dành cho trẻ em vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

do-choi.jpg

Rất nhiều đồ chơi trẻ em có nguồn gốc từ Trung Quốc

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó đội trưởng, đội Quản lý thị trường số 2, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, đồ chơi trẻ em là mặt hàng kinh doanh rất nhạy cảm và cần được quản lý chặt chẽ từ khâu nhập hàng cho đến việc dán tem hợp chuẩn. Ngay từ đầu năm, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hàng kiểm tra tại các quầy kinh doanh đồ chơi trên các tuyến phố như: Hàng Mã, Chả Cá, Lương Văn Can, Đồng Xuân, Hàng Ngang, Hàng Đào… Mới đây nhất, đội Quản lý thị trường số 2 thu giữ số lượng lớn đồ chơi trẻ em nhập lậu với trị giá hàng hóa gần 60 triệu đồng. Thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường đồ chơi trẻ em, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần làm lành mạnh thị trường đồ chơi trẻ em, nhất là khi kỳ nghỉ hè đang bắt đầu.

Ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng Cục trưởng Cục Tiêu chuẩn và đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, để đảm bảo có đồ chơi hợp chuẩn 100% cho trẻ em, việc quan trọng nhất là phải xóa được nhập lậu, nhập qua đường tiểu ngạch, qua đường biên giới, khi đó các đối tượng sản xuất kinh doanh mới đăng ký thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ về quản lý chất lượng. Các đối tượng đó hiện nay đang cố tình lẩn tránh, tìm mọi cách để bỏ qua việc quản lý chất lượng thì rất có thể chứng nhận hợp quy để triển khai.

Theo ông Vinh, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ chơi trẻ em có nghĩa vụ thực hiện các quy định của pháp luật và đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp cạnh tranh theo con đường chất lượng và chứng minh với khách hàng về việc cung cấp hàng hóa đảm bảo an toàn và chất lượng. Người tiêu dùng nên tẩy chay những loại đồ chơi không hợp chuẩn, góp phần đẩy lùi nạn nhập lậu đồ chơi, có như vậy thị trường đồ chơi trẻ em mới được lành mạnh hóa.

Đến nay, mặc dù quy định về đồ chơi hợp chuẩn đã có hiệu lực, nhưng số lượng đồ chơi chưa hợp chuẩn vẫn xuất hiện khá nhiều trên thị trường. Người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu là đồ chơi đã được kiểm nghiệm, chứng nhận, đâu là đồ chơi nhập lậu, có nguy cơ gây độc hại cho trẻ. Do vậy, công tác quản lý, kiểm tra, xử phạt của các cơ qua chức năng cần được tiến hành tập trung, đồng bộ, cùng với đó là sự phối hợp của người tiêu dùng, nhà sản xuất thì các em nhỏ mới có được những đồ chơi hợp chuẩn lành mạnh, ý nghĩa…/.