Một thanh niên mới 22 tuổi, ở Lào Cai, bị tai nạn giao thông khiến toàn bộ chân phải dập nát, dẫn đến hoại tử. Lúc này, cắt bỏ chi là phương án an toàn nhất, nhanh nhất để điều trị cho anh, nhưng các bác sĩ đã không lựa chọn cách ấy. Thay vì đó, họ chọn một phương án vất vả hơn, nhiều thử thách hơn, với hy vọng bảo tồn cho anh cái chân, giữ cho anh không phải trở thành tàn phế khi còn quá trẻ.
PGS.TS Bùi Văn Lệnh, phụ trách chuyên môn của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kể: Ngày 24 tháng 10 năm 2014, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận nam thanh niênNguyễn Văn L. 22 tuổi, bị tai nạn giao thông từ tuyến trước chuyển về.
Trong vụ tai nạn, bệnh nhân bị bánh xe ô tô đè lên, bị thương nặng ở chân, bị lóc da, hoại tử toàn bộ vùng mặt
Các thầy thuốc khoa phẫu thuật tạo hình đã khẩn trương đánh giá tình trạng các thương tổn của bệnh nhân và xử trí ban đầu để chuẩn bị cho các cuộc phẫu thuật tạo hình khi các tổn thương ổn định.
Bốn ngày sau, bệnh nhân bị chảy máu ồ ạt, đột ngột từ vùng đùi phải. Các bác sĩ phẫu thuật tạo hình nhận định đây là tổn thương hoại tử động mạch đùi, buộc phải tiến hành cầm máu khẩn cấp để cứu sống bệnh nhân.
Ngay lập tức một kíp phẫu thuật cấp cứu được thành lập, bao gồm các bác sĩ phẫu thuật tạo hình, bác sĩ phẫu thuật mạch máu và bác sĩ gây mê hồi sức, khẩn trường tiến hành ca mổ.
Gian truân bắt đầu từ đây, các phẫu thuật viên đã xác định được một đoạn động mạch đùi dài khoảng 15cm từ nơi phân chia của động mạch đùi chung kéo dài xuống dưới theo động mạch đùi nông bị hoại tử, thành mạch máu hoại tử, mủn nát, máu chảy dữ dội. Bệnh nhân bị choáng rất nặng do mất máu cấp, đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
Tình huống nguy kịch đòi hỏi các thầy thuốc chỉ trong giây phút phải quyết định phương án. Nếu quyết định tháo khớp háng, cắt bỏ chân bị hoại tử sẽ dễ dàng và an toàn hơn cho người thầy thuốc nhưng cơ may sống sót của bệnh nhân không cao (chỉ 30-50%) và bệnh nhân sẽ trở thành người tàn phế suốt đời ở tuổi 22. (Khi bị tháo khớp háng, bệnh nhân cũng không thể lắp chân giả).
Bản lĩnh của thầy thuốc là ở phút giây khó khăn này…
Các bác sĩ đã dũng cảm chấp nhận thách thức, đặt lợi ích của bệnh nhân lên trên hết. Kíp phẫu thuật chọn phương án táo bạo: cắt bỏ đoạn động mạch đùi hoại tử và thay thế bằng kỹ thuật ghép đoạn tĩnh mạch của chính bệnh nhân.
Kỹ thuật tiến bộ cho phép giữ chân của bệnh nhân nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, vết thương dễ bị hoại tử, chảy máu tái phát có thể gây tử vong cho người bệnh bất kỳ lúc nào.
Trong lúc đó, bác sĩ gây mê hồi sức kịp thời bù lại khối lượng máu mất, duy trì hô hấp, hồi sức tích cực để duy trì cuộc mổ. Kíp mổ đã tiến hành loại bỏ đoạn động mạch đùi bị hoại tử và thay thế bằng một đoạn tĩnh mạch hiển trong. Sau 3 giờ, cuộc mổ thành công, bệnh nhân sống sót, chân phải được bảo tồn. Bệnh nhân được theo dõi sau mổ theo một qui trình đặc biệt.
Thử thách lần 2…
Thế nhưng, “thử thách cân não” lần 2 ập đến sau 16 ngày, bệnh nhân bị chảy máu ồ ạt lần nữa, có những thời điểm trụy mạch trên bàn mổ!. Các thầy thuốc lại căng thẳng đối đầu với “thần Chết” trong cuộc chiến giành lại tính mạng và sự toàn vẹn thân thể cho bệnh nhân. Một cuộc hội chẩn cấp cứu ngay tại bàn mổ và từ xa, bao gồm: PGS.TS. Bùi Văn Lệnh, PGS. TS. Đoàn Quốc Hưng, TS. Nguyễn Doãn Tuất, ThS Giang. Các thầy thuốc một lần thống nhất quyết tâm bằng mọi giá phải vừa cứu sống bệnh nhân, vừa bảo tồn được chân cho anh dù hy vọng thành công không lớn!.
Ca mổ kéo dài từ trưa đến chiều, các thầy thuốc một lần nữa tiến hành các kỹ thuật tạo hình và tái tạo. Và họ đã thành công! Một lần nữa bệnh nhân được cứu sống, chân phải vẫn được bảo tồn.
Bệnh nhân L. được cứu chữa với phương án tốt nhất, nhờ tính “hợp đồng tác chiến” rất cao giữa các chuyên khoa của bệnh viện, nhờ quyết định nhanh chóng và kịp thời của Ban Giám đốc. Giả sử, nếu quy trình mà kéo dài lâu hơn, thì khó có thể bảo toàn tính mạng và thân thể của bệnh nhân.
Hy vọng
PGS. TS. Đoàn Quốc Hưng tâm sự: Sau khi ca mổ thành công, người thày thuốc cảm thấy rất hạnh phúc vì cứu được người bệnh. Nhưng quả thật là chưa hết lo. Lo bệnh nhân bị biến chứng, vì những ca bệnh phức tạp khó có ai lường trước được. Nhưng trong những trường hợp như của bệnh nhân Nguyễn Văn L. chúng tôi vẫn lựa chọn phương án mạo hiểm, vì cuộc sống của người bệnh. Tôi nhớ thày Tôn Thất Tùng có dạy rằng, bác sĩ không chữa bệnh, mà chữa người bệnh. Trong trường hợp này, tương lai của bệnh nhân sẽ khép lại nếu anh ta mất chân vĩnh viễn ở tuổi 22…”.
Sau 2 tháng điều trị, qua 5 lần mổ: phẫu thuật cấp cứu mạch máu, phẫu thuật tạo hình và hồi sức tích cực sau mổ, bệnh nhân đã ra viện với đôi chân của mình trong niềm vui khôn xiết, trong hạnh phúc của gia đình, trong sự hân hoan của những người thầy thuốc.
Bệnh nhân xuất viện đã được 2 tuần, hiện điều trị tại gia đình theo sự hướng dẫn của các bác sĩ. Ông Nguyễn Tiến Lợi, cha đẻ của bệnh nhân cho biết: Anh L. vẫn còn đau và tiếp tục chờ vết thương lành. Nhưng cơn nguy kịch đã qua, gia đình rất cảm kích trước sự tận tình của các thày thuốc BV ĐH Y.
TS Nguyễn Doãn Tuất cho biết: Ban đầu sau khi lành vết thương, bệnh nhân có thể di chuyển bằng xe lăn và nạng gỗ. Nhưng rất hy vọng rằng, sau một thời gian điều trị phục hồi chức năng, anh lại có thể tự đi bằng chính đôi chân của mình.
Tại khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của BV ĐH Y, chúng tôi còn bắt gặp nhiều ca bị tai nạn lao động và tai nạn giao thông, mà các bác sĩ đã cố gắng bảo tồn cho bệnh nhân các bộ phận của cơ thể để người bệnh có cơ hội phục hồi chức năng và trở về với cuộc sống bình thường./.