Bão số 14 là cơn bão mạnh, đường đi khó đoán định. Tuy nhiên, sự chỉ đạo kịp thời của các cấp lãnh đạo từ Trung ương tới các tỉnh, thành phố và sự chủ động ứng phó của các ngành, địa phương, đã làm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Hai địa phương nơi bão đổ bộ vào là Quảng Ninh - Hải Phòng, chính quyền cũng những biện pháp, phương án ứng phó hữu hiệu.
Bão số 14 được các Trung tâm khí tượng thủy văn các nước trên thế giới gọi là “con quái vật”, khi vượt qua tất cả các cơn bão trước đây về cấp độ, quy mô. Khi càn quét qua Philippines, bão đã cướp đi sinh mạng hàng nghìn người, gây thiệt hại khoảng 14 tỷ USD cho nước này. Bão số 14 đi vào nước ta đã giảm xuống cấp 9-10, nhưng lại có đường đi phức tạp, thay đổi liên tục đã khiến việc phòng chống gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dù trong mọi tình huống, các cấp ngành, địa phương đều trong tâm thế sẵn sàng đón siêu bão. Bản thân người dân tại các địa phương cũng ý thức chủ động phòng tránh cơn bão bất thường này.
Nhiều cột điện ở TP. Hạ Long đổ gãy do bão (Ảnh: TTXVN) |
Ông Hoàng Văn Liên, một người dân nuôi trồng thủy sản tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh cho biết, với tất cả những người nuôi trồng thủy sản dưới biển đều phải trang bị một chiếc radio cho mình, đây là việc làm đầu tiên và phải nghe ít nhất từ 8-10 tiếng mỗi ngày. 'Chúng tôi chủ yếu lấy thông tin trên Đài Tiếng nói Việt Nam là chính để có phương án tổ chức di chuyển tàu bè, chằng chống lại những phương tiện, cơ sở vật chất ở dưới biển để đảm bảo an toàn".
Theo ghi nhận của phóng viên VOV, dù đường đi của cơn bão số 14 phức tạp, thay đổi liên tục nhưng sự chủ động của chính quyền địa phương với các phương án ứng phó linh động kịp thời. Vào 23 giờ ngày 10/11, khi bão 14 chuẩn bị đổ bộ vào, chúng tôi ở tại Ban chỉ huy tiền phương Hải Phòng, Quảng Ninh. Thông tin về đường đi, sức gió của bão liên tục được cập nhật. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cao Đức Phát đã liên tục điện thoại, nhắn tin cho lãnh đạo các tỉnh, thành thông báo diễn biến mới nhất của bão số 14. Đặc biệt, dù điện ở tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng đã bị cắt từ 20 giờ ngày 10/11 nhưng với những phương án dự phòng được chuẩn bị từ trước, thông tin liên lạc vẫn được đảm bảo thông suốt. Mặt khác, tại các điểm nóng, những khu vực xung yếu, đều có mặt phóng viên các cơ quan báo chí, truyền thông cũng kịp thời đưa tin, phản ánh những diễn biến mới nhất của siêu bão số 14. Đây là kênh thông tin hữu ích giúp người dân, chính quyền địa phương ứng phó kịp thời với các tình huống. VOV đã thực hiện hàng chục bản tin cập nhật thông tin liên tục và kịp thời.
Báo cáo của Cơ quan thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Biên phòng các tỉnh, thành tuyến biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đã phối hợp với gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, hướng dẫn cho hơn 90.000 phương tiện, hơn 403.000 người biết hướng đi của bão số 14 để chủ động di chuyển phòng tránh nên hạn chế rất nhiều sự cố đáng tiếc. Bên cạnh đó, lực lượng Công an tại các địa phương cũng tích cực phối hợp với chính quyền để triển khai vận động người dân ra khỏi nơi nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Đối với những điểm xung yếu đều có các chiến sĩ chốt chặn không cho các phương tiện qua lại... Có thể nói, các chiến sĩ công an, quân đội đã góp phần không nhỏ trong triển khai ứng phó cũng như khắc phục bão số 14. Thượng tướng Bùi Văn Nam – Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: "Các địa phương và lực lượng Công an của Bộ thực hiện rất nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng qua các công điện. Chúng tôi đã tham gia chủ động, quyết liệt vào phòng chống cơn bão số 14 giảm thiểu thấp nhất thiệt hại. Ngoài ra, công tác đảm bảo an toàn về người cũng như phương tiện, điều kiện vật chất của các địa phương cũng được đề cao. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng để sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống của người dân".
Bão số 14 được xem là một trận cuồng phong ảnh hưởng đến nước ta. Thống kê Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn cho biết bão số 14 đã làm 16 người chết, hai người mất tích và 81 người bị thương, so với hàng nghìn người chết tại Philippines có thể thấy sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương đến địa phương trong việc triển khai các phương án ứng phó với bão nhờ đó thiệt hại về người và của do cơn bão gây ra thấp hơn so với dự đoán ban đầu. Liên Hợp Quốc đặc biệt ấn tượng với công tác phòng, chống bão của Việt Nam qua cơn bão số 14 này. Ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết: Ngay khi nhận được thông tin bão vào Quảng Ninh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã họp trực tuyến toàn bộ các địa phương triển khai phòng chống bão số 14, các lãnh đạo cấp ủy đã xuống các điểm xung yếu để chỉ đạo trực tiếp, các lực lượng công an, quân đội, thanh niên… đều chung tay để phòng chống bão số 14 nên Quảng Ninh đã hạn chế được thiệt hại về người và tài sản.
Mỗi cơn bão qua đi để lại cho chúng ta những bài học quý và riêng. Bão số 14 có thể được xem là bài mẫu cho công tác triển khai phòng tránh, ứng phó và giảm nhẹ thiên tai, khi biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng nhiều đến nước ta./.