Trước tình trạng chuột tấn công người tại TP HCM, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố đã cấp phát hóa chất cho y tế dự phòng các quận huyện để tiêu diệt chuột. Đồng thời, yêu cầu Trung tâm Y tế các quận, huyện tích cực tuyên truyền đến người dân cách diệt chuột, phòng chuột cắn và xử lý các điểm tập trung nhiều chuột trên địa bàn.

Trước đó, Viện Pasteur TP HCM tiến hành xét nghiệm virus Hanta trên 25 con chuột cống được bắt tại khu vực quận 3. Ðây là khu vực có một trường hợp bị chuột cắn phải nhập viện trong tình trạng sốt cao kéo dài, sau đó chuyển sang suy thận. Kết quả có có 3 mẫu dương tính với virus Hanta - loại virus có thể gây suy thận và tử vong cho người.

Theo các bác sĩ, khi bị chuột nhiễm virus Hanta cắn sang người, với thời gian ủ bệnh kéo dài từ một đến vài tuần, người bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, đau nhức cơ thể, sốt cao. Virus Hanta có thể gây bệnh ở thận, phổi và có nguy cơ gây tử vong cao ở người. Tuy nhiên, virus này không lây từ người sang người. Để phòng tránh chuột cắn, người dân cần giữ sạch nơi ở, không để thức ăn bừa bãi để tránh chuột tới. Ở những nơi có chuột, ngoài việc đặt bẫy, nếu sử dụng hóa chất cần sử dụng theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, không sử dụng bừa bãi, tránh nguy cơ làm ô nhiễm môi trường, vật nuôi khác. Đồng thời, người dân cần mắc màn khi ngủ, che chắn nhà cửa ở những điểm chuột có thể chạy vào cắn người…/.