Thời gian gần đây, thông tin về bọ xít hút máu người được phát hiện ở khu vực đông dân cư của một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Yên, thành phố Hồ Chí Minh… khiến nhiều người dân hoang mang, lo ngại. Vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là liệu bọ xít hút máu này có gây nguy truyền bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là HIV hay không?

Phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùngTrung ương về vấn đề này.

PV:Thưa ông, thời gian gần đây, dư luận xôn xao về loại bọ xít hút máu người, được phát hiện ở các khu vực đông dân cư. Xin ông cho biết rõ hơn về loài bọ xít này?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng:Theo số liệu của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng Trung ương, bọ xít hút máu chủ yếu là hút máu động vật hoang dại, và khi không có động vật thì chúng mới đốt người để hút máu. Loài bọ xít này đã có ở Việt Nam từ lâu, trong nhiều năm qua, cũng có nhiều người ở các địa phương bị bọ xít đốt. Theo chúng tôi theo dõi, cho đến nay, không có vấn đề gì ảnh hưởng đến sức khoẻ của những người bị bọ xít đốt.

Trên thế giới hiện nay có khoảng 3.000 loài bọ xít khác nhau. Đối với bọ xít ở Việt Nam, con trưởng thành có chiều dài khoảng 20mm, chiều ngang khoảng 5mm; toàn thân có màu nâu thẫm, có những viền vàng; trên đầu có vòi cong tương đối khoẻ để có thể hút máu động vật và người. Đặc điểm con bọ xít này trú đậu chủ yếu ở các nơi kín như khe cửa, tủ và nơi tối. Vào ban đêm chúng dời khỏi nơi cư trú để tìm động vật đốt hút máu.

PV:Được biết, bọ xít hút máu ở châu Mỹ có thể gây truyền bệnh Chagas (bệnh buồn ngủ), vậy bọ xít ở Việt Nam có giống loài bọ xít này không, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng:Theo các mẫu mà chúng tôi thu được ở những nơi có người bị bọ xít đốt, đến nay đã được phân loại. Bọ xít ở Việt Nam có tên là Triatoma Rubrofassiata, hoàn toàn khác với bọ xít ở Nam Mỹ và Trung Mỹ có thể gây bệnh ngủ (bệnh Chagas).

Như vậy, bà con không nên hoang mang lo lắng bọ xít ở Việt Nam có thể đốt và gây bệnh này. Bởi vì cho đến nay, Việt Nam chưa có tài liệu nào công bố là loài bọ xít ở Việt Nam có thể truyền bệnh Chagas, cũng như chưa có tài liệu nào công bố, bệnh Chagas xuất hiện ở Việt Nam. Còn những người bị bọ xít đốt có thể gây một số phiền toái, ví dụ như nốt đốt bị đỏ, sưng tấy, rát, thậm chí người có cơ địa dị ứng thì bị ngứa rát nhiều hơn và bị nhức đầu. Triệu chứng này cũng giống như bị ong hoặc một số côn trùng khác đốt, không liên quan đến truyền bệnh Chagas ở châu Mỹ.

Để phòng tránh loài bọ xít này, trước tiên đối với người bị bọ xít đốt phải nhanh chóng rửa ngay vết thương bằng xà phòng và không nên gãi vào chỗ bị đốt vì sẽ gây xước gây nhiễm trùng bội nhiễm; người không có cơ địa dị ứng chỉ cần bôi thuốc chống dị ứng côn trùng đốt. Đối với người dị ứng có thể phát ban hoặc có phản ứng quá mẫn cảm của cơ thể, phải đến ngay cơ sở điều trị gần nhất.

Gia đình nơi phát hiện có bọ xít đốt nên dọn dẹp nhà cửa, đặc biệt chú ý khe cửa, gầm giường; đồng thời mở hết cánh cửa để mặt trời chiếu vào; đồng thời phải tìm cách tìm diệt bọ xít bằng cách như ban ngày thì lật giường chiếu để tìm bắt; buổi tối nên tắt điện, dùng đèn pin tìm bắt. Một biện pháp khác để đề phòng bọ xít nói riêng và côn trùng nói chung là chúng ta nên nằm màn.

Đối với những vùng nhiều bọ xít, có thể dùng hoá chất diệt côn trùng hiện nay đang được Bộ Y tế cho phép sử dụng, vì bọ xít này hiện nay vẫn đang rất nhạy cảm với hoá chất diệt côn trùng..

PV:Một vấn đề rất được quan tâm hiện nay là liệu bọ xít hút máu người ở Việt Nam có nguy cơ truyền bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là HIV cho người trong điều kiện khí hậu, môi trường Việt Nam?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng:Cho đến nay cũng chưa có tài liệu nào công bố về loài bọ xít đốt hút máu người này có thể truyền bệnh về máu như HIV, hay một số bệnh khác. Bởi vì đặc điểm sinh thái của các loài bọ xít rất khác nhau. Nó đốt người nhưng không có nghĩa là sẽ truyền được các bệnh về máu. Do vậy, người dân không nên quá hoang mang lo sợ việc bọ xít đốt. Đến nay, các nghiên cứu về khả năng truyền một số bệnh về máu của giống bọ xít này cũng chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống, bài bản.

Thời gian qua, chúng tôi chỉ đạo một số trung tâm phòng chống sốt rét, trung tâm y tế dự phòng các tỉnh theo dõi về tình hình này. Nếu có gì đặc biệt phải báo ngay cho Viện Sốt rét – Ký sinh trùng Trung ương. Chúng tôi đã thành lập 1 nhóm nghiên cứu về vấn đề này.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.