Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch sởi hiện nay, sáng nay (18/4), Phó GS, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn phòng chống dịch bệnh Bộ Y tế đã có cuộc trao đổi với PV Đài Tiếng nói Việt Nam về tình hình dịch sởi cũng như các phương án phòng chống khẩn cấp.

Bệnh sởinăm nay có diễn biến bất thường?

Trao đổi với PV, Phó GS, TS Nguyễn Văn Kính cho biết với một đất nước nhiệt đới như VN, hàng năm, chúng ta vẫn phải ghi nhận các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm mặc dù có tiêm chủng, trong đó có bệnh sởi. Ông Kính cũng khẳng định, thực sự, những biến chứng và diễn biến của bệnh sởi trong năm nay so với sởi cổ điển không có gì bất thường.

ong%20nguyen%20van%20kinh.jpg
hó GS, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tại phòng thu của Đài Tiếng nói Việt Nam

Trong quý I năm nay, ngành Y tế đã nỗ lực hết mình để ngăn chặn những ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở Yên Bái và bệnh không có diễn tiến thêm. Tuy nhiên, trong tháng 3/2014, số lượng ca mắc bệnh sởi tập trung chủ yếu ở Bệnh viện Nhi Trung ương tăng đột biến và địa điểm này cũng chiếm số ca bị tử vong liên quan đến sởi cao nhất.

Bệnh sởi là một bệnh lây rất nhanh và rất mạnh, đặc biệt là chỗ đông người. Sởi gây suy giảm miễn dịch cấp tính và bản thân virut sởi có thể dẫn đến ngay lập tức những biến chứng rất nguy kịch như viêm cơ tim hay viêm não do phản ứng kháng nguyên, kháng thể. Hậu quả của nó là dẫn đến bội nhiễm các vi khuẩn vào trong phổi, đường tiêu hóa và các bộ phận khác.

Hiện nay, các trường hợp người lớn bị mắc bệnh sởi vào viện gia tăng hơn nhưng chưa có trường hợp nào tử vong. Ở trẻ em, sức đề kháng kém hơn người lớn, biến chứng thường gặp đó là viêm phổi rất nặng. Bản chất của bệnh sởi là giảm miễn dịch cấp tính vì thế rất dễ bội nhiễm các vi khuẩn trong môi trường bệnh viện và đây là những vi khuẩn đa kháng với kháng sinh- vũ khí chúng ta dùng để chống lại các vi khuẩn thì bị kháng mất vì thế yếu tố tiên lượng sẽ nặng hơn và nguy cơ tử vong sẽ cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Kính cũng khẳng định, phác đồ điều trị Bộ y tế đưa ra hiện nay hoàn toàn dựa trên những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới cũng như của các nước đã làm và vẫn hiệu quả. Hiện nay, tỷ lệ tử vong cao do sởi cũng không xảy ra ở các tỉnh (trong khi có tới 61/63 tỉnh thành trên cả nước ghi nhận bệnh  sởi) mà chỉ xảy ra ở Viện Nhi Trung ương, do dồn tất cả các ca nặng ở đây và tạo cơ hội cho vi rút lây lan và nhiễm khuẩn bệnh viện.

Vì sao Bệnh viện Nhi Trung ương trở thành ổ dịch?

Ông Nguyễn Văn Kính cho biết, chúng ta đã triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng trong nhiều năm qua nhưng độ bao phủ của chương trình đó mới chỉ được khoảng 90-95 %. Như vậy, mỗi một năm vẫn còn khoảng 5-10% không được được tiêm. Hơn nữa, mặc dù vắc xin sởi rất có hiệu lực nhưng không phải cứ tiêm cho 100 người thì 100 người sinh miễn dịch mà nó chỉ đáp ứng miễn dịch trong khoảng 85-90 %. Tích lũy lại trong 3-4 năm thì có những người chưa được tiêm hoặc tiêm mà không sinh ra được miễn dịch khá nhiều. Khi có mầm bệnh xuất hiện, những người này- dù là trẻ em hay người lớn đều rất dễ bị lây nhiễm.

Như chúng ta đã biết, chỉ trong thời gian rất ngắn vừa qua, Bệnh Viện Nhi Trung Ương bỗng trở thành ổ dịch với các trường hợp bị sởi, tử vong do sởi tăng đột biến.  Lý giải điều này, ông Kính cho rằng, đó là do tâm lý của các bậc phụ huynh: cứ con ốm là đưa bệnh viện đến tuyến cao nhất. Một bệnh nhi thì đi kèm cùng với mẹ, bố, thậm chí anh em, cô dì, chú bác… đi cùng. Một buổi sáng có khoảng 3000 bệnh nhi đến khám bệnh ở BV Nhi Trung ương cộng với số tương đương như vậy các bà mẹ đi cùng. Vô hình chung chúng ta có một số lượng lớn con người tập trung vào đúng một chỗ chật chội, trong khi bệnh sởi là bệnh rất dễ lây lan, có thể nói là “đi qua đầu giường” đã có thể lây rồi. Những bệnh nhi bị bệnh sởi này sẽ lây chéo cho các bệnh nhi khác, vì thế dịch bệnh bùng phát rất nhanh.

Ông Nguyễn Văn Kính cho biết, thực tế bệnh sởi là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tới 90% các bệnh nhân sởi là tự khỏi, chỉ có 10 % là có biến chứng nặng mà thôi. Đáng nhẽ chỉ cần xử lý 10% biến chứng nặng trong bệnh viện thì chúng ta lại đưa cả 90% số không có biến chứng nặng đến bệnh viện dẫn đến tình trạng quá tải, dễ lây lan và không giải quyết được vấn đề.

Bản chất của bệnh sởi là một bệnh lành tính, nó chỉ gây ra những biến chứng trên những cơ địa đặc biệt. Chỉ khi nào có những biến chứng nặng thì chúng ta mới phải vào viện điều trị. Trước đây trẻ em bị sởi đều nằm cách ly tại nhà. Bệnh nhân sau 3-4 ngày phát ban xong thì sẽ dần dần hồi phục. Nhưng vì chúng ta dồn tất cả vào bệnh nhân vào một điểm nóng, giống như "bỏ thêm củi vào một đám cháy lớn" mới nhận hậu quả như vậy.

Theo ông Kính, bệnh sởi là bệnh rất dễ chữa, và hoàn toàn có thể chữa được ở tuyến cộng đồng ví dụ như bệnh viện quận, huyện… và chỉ chuyển bệnh nhân lên tuyến trên khi có biến chứng nặng mà thôi.

Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng

Phó GS, TS Nguyễn Văn Kính cho biết, sau cuộc thị sát của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và buổi làm việc chuyên môn mà Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì cùng với các Bệnh viện đầu ngành và Sở Y tế Hà Nội đã đưa ra các giải pháp quyết liệt để phòng chống dịch sởi trong giai đoạn hiện nay. Giải pháp cơ bản là thực hiện giảm tải, hạn chế đưa bệnh nhi về Bệnh Viện Nhi Trung ương để thăm khám và xây dựng một hệ thống bệnh viện vệ tinh của Hà Nội để “chia lửa” với bệnh viện Nhi Trung ương và các bệnh viện quá tải khác. Và trong 24h qua, các bệnh nhân đã bắt đầu được chuyển đến các bệnh viện vệ tinh và không ghi nhận thêm trường hợp tử vong nào do sởi.

Bên cạnh đó, việc tiêm vét vắc xin sởi cho hàng trăm nghìn trẻ em trong độ tuổi từ 9 tháng đến 18 tháng cũng đang được khẩn trương tiến hành trên toàn quốc.

Ông Nguyễn Văn Kính khẳng định, tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh chủ động và dù trong lòng dịch hay ở ngoài lòng dịch thì việc tiêm ấy đối với cơ thể sẽ sinh ra kháng thể chống lại virut sởi. Về nguyên tắc, sau khi tiêm vắc xin từ 7-10 ngày, trong cơ thể đã bắt đầu hình thành miễn dịch và đạt được miễn dịch có thể bảo vệ được là sau 3-4 tuần. Vì vậy, chúng ta nên tiêm càng sớm càng tốt, nhất là với những người chưa bao giờ được tiêm hoặc không nhớ rằng mình đã tiêm hay chưa. Đây chính là biện pháp phòng bệnh tốt nhất trong giai đoạn đang có dịch hiện nay.

Việc giảm đi hay nghiêm trọng hơn của dịch sởi trong thời gian tới không phụ thuộc vào nỗ lực riêng của ngành Y tế mà đòi hỏi sự  vào cuộc của cả cộng đồng. Chúng ta cần phải có thông tin đầy đủ, chính xác về bệnh để mọi người cùng phòng chống. Cụ thể, người dân có thể cho trẻ chưa tiêm vắc xin đi tiêm, phát hiện sớm trẻ mắc bệnh đến khám kịp thời tại các cơ sở y tế, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người đặc biệt là bệnh viện, rửa tay thường xuyên bằng thuốc sát khuẩn, không tụ tập nơi đông người, hạn chế thăm nom người có bệnh sởi./.