Sáng 16/11, nhiều nơi ở các tỉnh miền Trung, trời tạnh mưa. Tuy nhiên, nước từ thượng nguồn đổ về, cộng với các thủy điện tiếp tục xả nước từ tối 15 đến sáng 16/11 khiến lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế, Phú Yên vẫn còn ở mức cao. Riêng 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định đều bị ngập trên mức lũ lịch sử. Hàng nghìn nhà dân, ngập chìm trong biển nước. Nước lũ về trong đêm khiến người dân trở tay không kịp. Trong đêm 15/11, các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên đã sơ tán hơn 6000 hộ dân với 18.000 người sơ tán tránh lũ.

quang-nam-1.jpg
Người dân Quảng Nam mạo hiểm dắt xe băng qua đoạn đường ngập

Bình Định là địa phương bị ngập nặng nhất trong đợt lũ này. Sáng 16/11, cầu Bản, dẫn vào cầu Tân An trên Quốc lộ 1A bị sập mố cầu, gây ách tắc tuyến giao thông huyết mạch Bắc-Nam. Quốc lộ 19 nối Tây Nguyên với đồng bằng bị ngập sâu tại các khu vực Huỳnh Kim, Quý Sơn huyện Tây Sơn. Mưa lũ làm nhiều khu dân cư  ở các huyện: Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Quy Nhơn…. bị ngập sâu trong lũ.

Thống kê sơ bộ của các địa phương, cả tỉnh đã có thêm 3 người ở TP Quy Nhơn, huyện Tây Sơn và thị xã An Nhơn bị nước lũ cuốn trôi mất tích. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng nặng.  Tất cả các xã phường của thị xã An Nhơn ngập sâu trong lũ. Tại huyện Hoài Ân có 1.500 hộ bị ngập, tỉnh lộ 629, 630 bị lũ chia cắt. Tại huyện Tây Sơn, nước lũ đã làm ngập nặng, gây chia cắt, cô lập tất cả các xã thị trấn. Các cấp, các ngành chức năng của huyện đã tập trung sơ tán dân lên quốc lộ 19 ở các nhà hàng, khách sạn.

Ngay tại TP Quy Nhơn, nhiều nhà dân bị ngập sâu từ 1 đến 2m. Thành phố đã tổ chức di dời 220 hộ dân ở Bùi Thị Xuân, Nhơn Phú, Trần Quang Diệu đến nơi an toàn. Tại huyện Tuy Phước, đê Luật Lễ bị vỡ 100m; 3 đoạn đê khác nước tràn qua 0,5m, nguy cơ bị vỡ, đang được gia cố chống đỡ.Sáng nay, tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 5 dùng trực thăng đi cứu dân nhưng hiện nay, tỉnh Bình Định đã điều động ca nô, xuồng máy của các lực lượng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng và Công an tỉnh Bình Định để di dời những người dân leo lên nóc nhà kêu cứu.

Chiếc cầu bắc qua suối Cát nối xã Tây Thuận với xã Tây Giang, ở huyện Tây Sơn bị lũ cuốn trôi. Người dân nơi đây tự đặt chiếc bảng “cầu gãy cấm qua” để cảnh báo người đi đường (Ảnh: Báo Bình Định)

Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Thực tế, địa phương dùng ca nô cũng có thể vào những vùng bị chia cắt được hết. Vì vậy, trước mắt cũng chưa cần dùng đến trực thăng. Số người dân ngồi trên nóc nhà kêu cứu, địa phương cũng đã dùng ca nô đưa họ đến vùng cao rồi”.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, tối 15/11, ở huyện miền núi Ba Tơ có mưa to, nhiều vùng bị cô lập. Trong đó, đáng chú ý là xảy ra lũ quét ở một số địa phương. Tại xã Ba Động, lũ quét đi qua nhiều khu dân cư, nhiều nơi bị sạt lở núi nên người dân bỏ nhà chạy lũ.

Ông Võ Văn Tươi ở thôn Hóc kè, xã Ba Động cho biết, chưa có năm nào lũ lên nhanh và dữ dội như năm nay. Tối 15/11, sạt lở núi, không kịp trở tay, may mà còn kịp đưa người trong gia đình chạy lũ.

Hàng nghìn nhà dân ở các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình và thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam bị ngập nặng. Một số nơi tại huyện Đại Lộc bị nước lũ làm ngập nhà dân trên 3 mét, cô lập hoàn toàn. Trong đêm qua và sáng nay, các địa phương tỉnh Quảng Nam đã sơ tán 4000 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến những nhà cao, kiên cố tránh lũ. Mưa lớn cộng với lũ quét khiến tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14E, qua tỉnh Quảng Nam bị sạt lở nhiều đoạn. Ngầm sông Trường trên tỉnh lộ 615 từ thành phố Tam Kỳ đi các huyện Bắc Trà My Nam Trà My bị ngập, chia cắt huyện vùng cao Nam Trà My và một số xã Bắc Trà My. Hiện nay, lượng mưa ở miền núi tỉnh Quảng Nam đã giảm, các hồ thủy điện trên địa bàn giảm lưu lượng xả lũ.

Ông Võ Tấn Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án thủy điện Đắc Mi 4, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Hiện nay, trời đã ngớt mưa, hồ thủy điện đang ở mức bình thương, nước về hồ 450 m3, chúng tôi đang xả nhẹ với lưu lượng 280 m3/giây. Vì hạ du đang báo động 3 nên chúng tôi cố gắng xả thấp hơn để giảm lũ cho hạ du”.

Tỉnh Phú Yên cũng chịu cảnh ngập nặng do thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng lớn,. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, mưa lũ đã làm 1 người mất tích, 13 ngôi nhà bị sập, nhiều diện tích lúa mùa, hoa màu và diện tích nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi, hư hại.Đến sáng nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên mưa đã giảm, nước trên các sông đang xuống chậm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hơn 900 hộ dân với trên 3.300 nhân khẩu ở xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân vẫn còn bị nước lũ cô lập.

Ông Trần Nam Giang, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên cho biết, hiện tại khu vực cầu Cây Sung trên tuyến ĐT612 từ La Hai đi Trường Sơn còn bị ngập 1,2 m, gây chia cắt giao thông. Địa phương đã cắt cử lực lượng công an, thanh niên xung kích trực tại 2 điểm cầu, nghiêm cấm người và phương tiện qua lại:

Sáng 16/11, tại thành phố Huế, nhiều tuyến đường vẫn còn ngập chìm trong lũ, giao thông đi lại khó khăn. Trong lúc đó, thủy điện Hương Điền, Bình Điền tiếp tục xả lũ, kết hợp với mưa lớn khiến nước lũ dâng cao gây ngập hàng loạt các xã vùng trũng của huyện Quảng Điền, thị xã Hương Trà… Nước lũ dâng quá nhanh trong đêm khiến hàng ngàn hộ dân bị ngập sâu.  Đến sáng nay, các xã Quảng Thành, Quảng An, huyện Quảng Điền lũ vẫn còn chia cắt. Mưa cũng đã làm tuyến quốc lộ 1A đi qua địa bàn các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, huyện Phú Lộc bị ngập sâu kéo dài 1,5 km gây ách tắc giao thông. Hiện mực nước ở sông Hương vẫn còn trên báo động 2, mức nước ở sông Bồ xấp xỉ bảo động 3. Sáng nay, học sinh của thành phố Huế và các huyện Quảng Điền, thị xã Hương Trà… vẫn nghỉ học để tránh lũ. 

Ông Trần Kim Thành, Phó Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: Từ trước đến nay, lượng mưa với cường suất như vậy chưa hề xảy ra ở địa phương. Nước ở các sông không thoát kịp nên gây ngập nhiều tuyến đường trong thành phố. Do lượng mưa lớn ở thượng nguồn đổ về khoảng từ 250-300mm nên có nơi ngập sâu từ 70-80cm./.