Liên quan đến những sai phạm tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, sáng nay (7/10), Sở Y tế Hà Nội tổ chức buổi họp báo với sự tham dự của đại diện Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Mắt Hà Nội và Bệnh viện Mắt Trung ương.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội - đơn vị thường trực, chịu trách nhiệm thanh tra theo đơn tố cáo của bác sỹ Nguyễn Thị Thu Thủy, Bệnh viện Mắt Hà Nội, về việc Giám đốc Bệnh này đã cho tráo đổi thủy tinh thể khi phẫu thuật cho bệnh nhân khẳng định: Sở đã hai lần nhận được đơn thư tố cáo về vụ việc này từ năm 2011 và cũng đã hai lần thành lập tổ công tác, tiến hành xác minh và đã có kết luận bằng văn bản trả lời người đứng đơn và cơ quan cấp trên.

vien-mat.jpg
Họp báo về vụ việc xảy ra tại BV Mắt Hà Nội

Kết luận của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết: Bệnh viện Mắt Hà Nội đã sử dụng 3 loại nhân mắt là IQ (Mỹ) Hoya (Nhật) và Focus (Pháp) để phẫu thuật thay thủy tinh thể cho bệnh nhân. Cả 3 loại nhân mắt này đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhập khẩu vào Việt Nam và đã qua đấu thầu.

Ba loại nhân mắt Hoya (Nhật Bản), Focus (Pháp) và IQ (Mỹ) có giá từ 3.220.000 đồng - 3.243.000 đồng, chỉ chênh nhau nhiều nhất là 22.000 đồng và cùng nằm trong khung giá trọn gói được niêm yết tại Bệnh viện Mắt Hà Nội là 6.500.000 đồng/1 ca phẫu thuật thay thủy tinh thể.

Việc dùng nhân mắt loại nào để thay cho bệnh nhân là do bác sỹ phẫu thuật chỉ định trước khi mổ. Khi đó, loại tem của nhãn mắt được sử dụng sẽ ghi trong bệnh án. Qua kiểm tra, đối chiếu tem dán trên hồ sơ bệnh án với vật tư sử dụng thì hoàn toàn trùng khớp. Tuy nhiên, so sánh giữa thực tế sử dụng và biên lai thu tiền của phòng tài vụ thì loại thủy tinh thể thay cho bệnh nhân có sự khác nhau. Điều này cho thấy sai sót trên thuộc về phòng tài vụ của Bệnh viện đã không thực hiện đúng quy định.

Cụ thể, tháng 1/2011-6/2011, khoảng 3.000 bệnh nhân đã được mổ phaco tại Bệnh viện Mắt Hà Nội. Trong số này có hơn 700 bệnh nhân được sử dụng thủy tinh thể loại của Pháp và Nhật, nhưng trong biên lai thu tiền lại đóng dấu ghi chú bệnh nhân dùng thủy tinh thể của hãng IQ của Mỹ, mà không thông báo cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân là không đúng với thực tế thay thủy tinh thể.

Ngay sau khi phát hiện sự việc ở phòng tài vụ, Sở Y tế đã yêu cầu Bệnh viện Mắt Hà Nội, khi bệnh nhân sử dụng loại nào thì phải ghi rõ loại đó và phải có bảng chi tiết các loại đã sử dụng.

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến việc sử dụng dịch nhầy trong phẫu thuật thay thủy tinh thể tại Bệnh viện này, bà Nguyễn Thu Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội cũng khẳng định không có sự gian lận hay đánh tráo. Hai loại dịch nhầy đã được Bệnh viện này sử dụng gồm loại của Mỹ có giá 465.000 đồng/lọ và của Ấn Độ có giá 209.000 đồng/lọ. Trong phẫu thuật cho từng bệnh nhân để đảm bảo độ an toàn trong phẫu thuật, mỗi bệnh nhân có thể được dùng lượng khác nhau. Có người phải dùng đến 2, 3 lọ, nhưng có người chỉ cần sử dụng 1 nửa hoặc 1 phần 3 lọ.

Bà Hương cũng cho rằng, hiện tại Việt Nam chưa có nghiên cứu nào chứng minh dịch nhầy khác nhau có ảnh hưởng đến chất lượng mỗi ca phẫu thuật và cũng không có quy định nào quy định một ca phải sử dụng bao nhiêu dịch nhầy. Số tiền 6,5 triệu đồng là thu trọn gói cho cả ca phẫu thuật đã được Bệnh viện Mắt Hà Nội đã niêm yết (trong đó có cả giá nhãn mắt, vật tư y tế tiêu hao và dịch nhầy…).

Kết thúc buổi họp báo, Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Mắt Hà Nội đều một lần nữa khẳng định không có chuyện tiêu cực, gian lận tại Bệnh viện Mắt Hà Nội. Tuy nhiên, Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Mắt Hà Nội đều không trả lời được câu hỏi được giới báo chí nêu là: Giá thành ca phẫu thuật dựa trên chi phí nào, vì sao không bảo vệ người tố cáo vụ việc mà để họ gặp nhiều khó khăn sau khi tố cáo. Đặc biệt, giá dịch nhầy chênh lệch giữa loại của Ấn Độ (209.000 đồng/lọ) và loại của Mỹ 465.000 đồng/lọ), nhưng cơ cấu giá thành nhập nhèm, có thể tráo đổi loại dịch nhầy giá rẻ và giá cao./.