- Miền Bắc khó kiểm soát dịch sốt xuất huyết, bệnh chân tay miệng
- Bệnh chân tay miệng có chiều hướng gia tăng
Theo thống kê của Viện Pasteur TP HCM, tỉnh Đồng Tháp đứng thứ 3 sau TP HCM và Đồng Nai về số người mắc bệnh tay chân miệng tại khu vực phía Nam. Tuy chưa có trường hợp bệnh dẫn đến tử vong nhưng sự bùng phát bệnh đang ở mức báo động. Trong đó, Thành phố Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh là hai địa phương có số người mắc cao nhất.
Những ngày qua, tại các trạm y tế và bệnh viện đa khoa huyện Cao Lãnh và bệnh viện đa khoa tỉnh, số trẻ nằm điều trị bệnh tay chân miệng tăng đáng kể. Bệnh đang gia tăng nhanh với những biến chứng nguy hiểm nhưng nhiều người dân còn rất ít hiểu biết về căn bệnh này.
Theo các bác sĩ điều trị tại đây, bệnh tay chân miệng do siêu vi trùng đường ruột gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh lây nhanh từ trẻ này sang trẻ khác từ các chất tiết mũi, miệng, phân, nước bọt lúc trẻ bệnh ho, hắt hơi. Đó cũng là những triệu chứng mà các bậc phụ huynh cần lưu ý để sớm phát hiện bệnh. Hiện chưa có thuốc chủng ngừa và thuốc đặc trị nên việc điều trị của bác sĩ thường giải quyết triệu chứng như sử dụng thuốc để hạ sốt, giảm đau và uống nhiều nước. Vì vậy, khuyến cáo của các bác sĩ chủ yếu là việc phòng tránh lây bệnh ở trẻ nhỏ.
Bác sĩ Đoàn Trường Giang, Khoa điều trị nhi Bệnh viện Đa khoa huyện Cao Lãnh cho biết: “Triệu chứng ban đầu là sốt, đau họng. Lúc đầu miệng trẻ có bóng nước, sau đó loét ra khiến trẻ đau họng, ăn uống kém. Ngoài ra, còn xuất hiện một số bóng nước ở bàn tay, bàn chân, mông, gối. Nếu phát hiện tay chân trẻ bị nổi bóng nước thì nên đưa trẻ nhập viện khám và điều trị”./.