Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, lao động trong các lĩnh vực nghệ thuật là một loại hình lao động hết sức đặc thù. Trong nhiều ngành nghệ thuật, người lao động (nghệ sĩ, diễn viên) vừa phải phát huy cao độ trí lực, năng khiếu, tài năng sáng tạo, vừa phải phát huy cao độ hoạt động thể lực khi tập luyện, biểu diễn trong những điều kiện hết sức phức tạp, căng thẳng, nguy hiểm. Nhiều tai nạn, rủi ro nghề nghiệp đã xảy ra, nhiều bệnh tật, bệnh nghề nghiệp đã đến với các nghệ sĩ, diễn viên. Trong các lĩnh vực nghệ thuật đó, 3 lĩnh vực xiếc, múa và điện ảnh là những lĩnh vực có nhiều nguy cơ bị tai nạn và bệnh nghề nghiệp vào loại cao nhất.
Tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nguyễn An Lương, Chủ tịch Hội An toàn Vệ sinh Lao động Việt Nam cho rằng: Vấn đề an toàn vệ sinh lao động nghệ thuật nói chung và các lĩnh vực xiếc, múa, điện ảnh nói riêng chưa được coi trọng, nếu không nói là chưa được đặt ra. Có nhiều vấn đề, cả về lý luận và thực tiễn đang còn tranh cãi, có nhiều quan niệm lệch lạc, nhận thức chưa đúng về đối tượng lao động nghệ thuật.
Theo PGS, TS Nguyễn An Lương, đối với những người hoạt động trong ngành xiếc, múa, điện ảnh, lao động trí óc, phát huy trí tuệ, tài năng sáng tạo, hoạt động thể lực hết sức căng thẳng, nặng nhọc. Lao động của những người này là loại lao động đặc thù, có nhiều nguy cơ bị tai nạn lao động và bệnh tật, bệnh nghề nghiệp không kém gì trong sản xuất công- nông nghiệp. Để giải quyết tốt việc này cần có sự đầu của toàn xã hội đối với việc chăm lo bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khoẻ đối với các hoạt động nghệ thuật./.