Cao huyết áp là một bệnh lý mãn tính tuy thầm lặng nhưng lại rất nguy hiểm. Để phòng ngừa căn bệnh này, chúng ta cần xây dựng một lối sống lành mạnh - mà nhất là một chế độ ăn lành mạnh giảm mặn. Mới BS.TS. Nguyễn Trọng Hưng vừa chia sẻ một thói quen đơn giản nhưng có tác dụng giảm mặn hiệu quả.

Huyết áp cao - kẻ giết người thầm lặng

Theo BS.TS. Nguyễn Trọng Hưng (Trưởng khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn - Trung tâm Khám Tư vấn, phục hồi dinh dưỡng & kiểm soát béo phì - Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia), huyết áp cao là một bệnh lý nguy hiểm, có thể biến chứng thành các bệnh lý nguy hiểm hơn như đột quỵ, một số hội chứng hoặc bệnh nguy hiểm như xơ vữa động mạch hay nhồi máu cơ tim.

Huyết áp cao bắt nguồn từ việc có lối sống chưa thực sự lành mạnh, nhất là từ chế độ ăn uống thiếu cân đối và chưa hợp lý, đặc biệt là sử dụng lượng muối lớn trong khẩu phần ăn uống hằng ngày.

Video chia sẻ của BS.TS. Nguyễn Trọng Hưng

 

Chính vì thế, giảm lượng muối ăn hằng ngày là một trong những cách hiệu quả giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến đường huyết áp, cũng như các bệnh mãn tính không lây khác.

Theo Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng đặt mục tiêu là lượng muối tiêu thụ trung bình của dân số (từ 15-49 tuổi) giảm xuống dưới 8gr/ngày vào năm 2025 và dưới 7gr/ngày vào năm 2030.

Thay đổi thói quen sử dụng muối để phòng ngừa bệnh cao huyết áp

Mặc dù dùng nhiều muối gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, muối ăn giữ một vai trò rất quan trọng đối với khẩu vị của người Việt Nam, vì thế không dễ thay đổi thói quen ăn uống của người dân trong một sớm một chiều.

TS.BS. Hưng đề xuất một số giải pháp để giảm lượng muối tiêu thụ như gia giảm từ từ theo tỉ lệ 10% lượng muối ăn để cắt giảm lượng muối ăn từ từ khiến người ăn không nhận ra, hạn chế đặt lọ muối, mắm, nước tương,… trên bàn ăn, giảm tiêu thụ các sản phẩm chế biến sẵn như dưa, cà, cá muối, thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp,.. hoặc kết hợp sử dụng một số thành phần tạo hương vị, chẳng hạn như bột ngọt để giảm muối ăn mà vẫn ngon miệng.

Bột ngọt được xem là một trong những giải pháp hiệu quả để giảm muối mà vẫn duy trì vị ngon của món ăn. Chế độ ăn giảm muối thường khó thực hiện vì việc giảm lượng muối sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến vị giác của người ăn: như vị mặn, vị ngọt, vị ngon của món ăn giảm đi, trong khi vị đắng và sự khó chịu của vị đắng lại tăng lên. Bên cạnh việc giúp duy trì hương vị của món ăn, hàm lượng natri trong bột ngọt chỉ bằng ⅓ lượng natri trong muối ăn, do đó, khi sử dụng bột ngọt vẫn đảm bảo duy trì được vị ngon của món ăn mà giảm được đáng kể lượng muối ăn vào.

Việc sử dụng bột ngọt trong các chế độ ăn giảm muối đã được sử dụng khá hiệu quả tại các nước phát triển như Mỹ, Phần Lan hay Nhật Bản. Nhiều nghiên cứu chỉ ra bột ngọt có thể duy trì vị ngon cho những món ăn giảm muối, giúp giảm từ 30% đến 60%  lượng natri ăn vào.

BS.TS Nguyễn Trọng Hưng cũng chia sẻ công thức sử dụng bột ngọt để giảm lượng muối ăn như sau: với mỗi 1 lít nước dùng thì cần sử dụng khoảng 8g muối để có đảm bảo vị ngon tuy nhiên lại có lượng muối lớn. Nếu sử dụng kết hợp với bột ngọt, chúng ta chỉ cần sử dụng một nửa lượng muối ban đầu và thêm 4,8g bột ngọt thì nước dùng vẫn duy trì được vị ngon và giảm được đến 31,5% lượng natri ăn vào.

Vấn đề an toàn của bột ngọt

Bột ngọt là monosodium glutamate (MSG), là gia vị umami xuất hiện phổ biến hơn 1 thế kỷ nay. Cha đẻ của bột ngọt chính là giáo sư hóa sinh người Nhật Bản tên là Kikunae Ikeda.

Nhiều tổ chức và cơ quan y tế uy tín như Ủy ban các Chuyên gia về Phụ gia Thực phẩm thuộc Tổ chức Lương thực và Thực phẩm Liên Hiệp Quốc (JECFA), Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO), Ủy ban Khoa học về Thực phẩm của Cộng đồng chung Châu Âu (EC/SCF), Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Bộ Y tế, Lao động, Phúc lợi Nhật Bản đã nghiên cứu và kiểm nghiệm lâm sàng cho thấy bột ngọt hoàn toàn an toàn. Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã chứng nhận bột ngọt là chất phụ gia an toàn được phép sử dụng.

Về liều lượng sử dụng, JECFA và EC/SCF kết luận không có hạn mức cụ thể quy định mỗi người một ngày chỉ được dùng tối đa bao nhiêu gam bột ngọt, vì thế có thể nêm nếm bột ngọt theo khẩu vị của người ăn. Nhiệt độ đun nấu hàng ngày (khoảng dưới 270 °C) cũng không làm bột ngọt bị biến đổi thành các chất không tốt cho sức khỏe, nên chúng ta có thể sử dụng bột ngọt vào trước, sau hoặc trong quá trình nấu nướng.

Với những thông tin trên, TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng cho biết sử dụng bột ngọt là một giải pháp hiệu quả để có thể giảm lượng muối ăn hằng ngày mà vẫn đảm bảo vị ngon của món ăn, giúp phòng chống các bệnh liên quan đến cao huyết áp và tim mạch, giúp xây dựng một chế độ ăn hợp lý, một lối sống lành mạnh để nâng cao sức khỏe./.