Dẫn đầu về số chuyến bay khai thác của hàng không Việt Nam là Vietjet với 13.284 chuyến, tăng tới 1.865% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Vietnam Airlines với 11.610 chuyến, tăng 500% so với cùng kỳ năm 2021.
Các hãng hàng không khác như Bamboo Airways và Pacific Airlines có số chuyến bay lần lượt là 4.914 và 2.091. Hai hãng VASCO và Vietravel có lượng chuyến bay không đáng kể, chỉ 771 chuyến và 568 chuyến bay trong tháng.
Việc số lượng chuyến bay tăng mạnh đã đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành hàng không sau dịch. Nhu cầu đi lại, du lịch, thăm thân, công tác, giao thương rất sôi động là cơ hội tốt cho ngành hàng không phục hồi.
Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam hiện đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Các vị trí tiếp theo lần lượt là Mexico, Brazil, Nga, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia…
Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 7 năm 2022, các chuyến bay cất cánh đúng giờ của các hãng hàng không Việt Nam đạt 27.185 trên tổng số 33.238 chuyến, chiếm tỷ lệ 81,8%. Số liệu này tương đương so với tháng trước.
Các chuyến bay chậm chuyến là 6.053 chuyến, chiếm tỷ lệ 18,2%. Trong tháng 7, hàng không Việt Nam có 41 chuyến bay bị huỷ, chiếm 0,12%, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đánh giá của giới chuyên gia hàng không, tuy số chuyến bay tăng rất cao nhưng Việt Nam vẫn giữ được tỷ lệ bay đúng giờ khá cao, trái ngược với tình trạng hỗn loạn của hàng không thế giới với hàng loạt chuyến bị chậm, hủy do thiếu hụt nhân sự của các hãng hàng không, dịch vụ tại nhà ga và nhu cầu đi du lịch của khách tăng cao./.