Nhìn quanh ngôi nhà không thấy một thứ gì đáng giá. Bà Nhiên cho biết, bao nhiêu tài sản đều đem đi bán hết để chữa bệnh cho con.
Ở cái tuổi lẽ ra được an dưỡng, con cháu đề huề thì bà Nhiên đầu tắt mặt tối lao động, kiếm miếng cơm, manh áo nuôi cả gia đình. Trước đây, gia đình không dư dả gì nhưng cả 2 vợ chồng làm lụng cũng đủ trang trải cuộc sống. Khó khăn nhất khi gia đình phát hiện 2 người con mang bệnh hiểm nghèo. Bao nhiêu tiền dành dụm được đều dùng chữa bệnh cho con nhưng kết quả không khả quan.
Từng là trụ cột của gia đình, buôn bán kiếm được không ít tiền, nhưng cách đây 11 năm, anh Phạm Văn Tráng, khi đó đang làm ăn ở Móng Cái (Quảng Ninh) bị suy thận.
Cùng lúc đó, ở quê nhà Hải Dương, bố anh ốm nặng rồi mất. Nghiệt ngã thay, người vợ của anh cũng bỏ đi theo người khác, kéo theo cả cô con gái bé bỏng. Nợ nần trong làm ăn, những cú sốc liên tục làm cho cơ thể anh trở nên mệt mỏi. Đi khám mới biết bị suy thận ở mức độ 2.
Bà Nhiên thêm lần nữa chạy khắp nơi vay mượn tiền chạy chữa cho con. Hiện tại, anh Tráng phải chạy thận liên tục. Một tuần anh phải đi lọc máu 3 lần, mỗi lần lọc mất 400 ngàn đồng. B
à Nhiên ngân ngấn nước mắt: “Thân già này lo miếng cơm manh áo còn chưa nổi nói chi kiếm tiền chữa bệnh cho con. Mọi thứ trong nhà đã đem đi bán hết, giờ không biết lấy tiền đâu chữa trị cho con".
Nhưng bi kịch gia đình bà Nhiên chưa dừng lại ở đó. Năm 1994, chị Phạm Thị Khiên - đứa con gái thứ 3, bị lừa bán sang Trung Quốc, biệt tích gần chục năm trời. Bà Nhiên cũng có báo chính quyền địa phương song vô vọng. Rồi một ngày, bà Nhiên nhận được bức thư báo có người thấy con gái bà đang lang thang ở cửa khẩu Bình Liêu, Quảng Ninh. Do chị đột ngột mắc bệnh tâm thần nên bỏ đi lang thang và bị xe cán gãy chân. Anh Tráng cùng bố tức tốc lên cửa khẩu đón chị gái về.
“Lúc đó, chị tôi đã điên dại, quần áo rách bươm, lê lết ở bìa rừng với một chân bị gẫy, dập nát, đã bốc mùi hôi thối vì nhiễm trùng”, anh Tráng nhớ lại. Thương con, gia đình bà Nhiên đã đưa chị Khiên đi chữa tâm thần ở khắp các bệnh viện song bệnh tình vẫn không khuyên giảm. Những ngày lên cơn, chị lảm nhảm chửi mắng, không ngủ, kêu gào, thậm chí đập phá đồ đạc, có hôm mang hết đống quần áo đi đốt. Những lúc như vậy nước mắt bà Nhiên lại chảy lưng tròng, mùa đông tràn về căn nhà càng trở nên lạnh lẽo hơn bao giờ hết.
Éo le với người mẹ già chưa dừng lại ở đó. Bà Nhiên còn có người con gái lớn là chị Phạm Thị Niên, năm 1994 chị Niên cũng bị gả bán sang Trung Quốc. Mấy năm gần đây, mắt chị kém rồi lòa dần, không còn khả năng lao động. “Gia đình chồng bên đó là nông dân nghèo, họ không cáng đáng thêm được chị, nên mới đây, chị liên hệ là sẽ về Việt Nam xin bấu víu vào bà già này”, bà Nhiên cho biết.
Cuộc sống của gia đình bà Nhiên hiện giờ chỉ biết dựa vào số tiền trợ cấp ít ỏi dành cho người cao tuổi, cùng với tiền chế độ 270.000 đồng/tháng dành cho chị Khiên nên vẫn muôn vàn nỗi khổ cực. Biết được hoàn cảnh đáng thương của bà, hàng xóm lại tích góp vài lon gạo, củ khoai để biếu bà cải thiện bữa ăn, mỗi lúc như thế bà lại không cầm được nước mắt.
Gia đình bà Phạm Thị Nhiên rất cần sự hỗ trợ của bạn đọc gần xa. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về bà Phạm Thị Nhiên ở khu 3 Hạ Chiểu, thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn, Hải Dương;... /.