Phát biểu tại hội thảo đẩy mạnh hoạt động truyền thông về khoa học, công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo diễn ra sáng nay (20/12), ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ KH&CN dẫn ví dụ trường hợp của Hàn Quốc nhờ vào KH&CN mà từ một quốc gia nghèo, nhiều tàn tích sau chiến tranh để trở thành một trong những cường quốc hàng đầu thế giới về công nghệ chỉ trong khoảng 20 năm.

truyen_thong_khcn_spey.jpg
Ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Khoa học và Công nghệ.

Hàn Quốc hiện cũng là quốc gia nằm trong top đầu trên thế giới thương mại dịch vụ 5G và xác định mục tiêu trở thành cường quốc số 1 về mạng 5G. Tính đến hết tháng 11/2019, đã có 4 triệu người ở Hàn Quốc đăng ký dịch vụ 5G. Đây là mức tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới và xu hướng trong thời gian tới sẽ tiếp tục ra mắt điện thoại sử dụng 5G.

Theo ông Tuấn, để đạt được những thành công này, Hàn Quốc đã làm rất tốt truyền thông về KH&CN và đổi mới sáng tạo. Từ đó, xây dựng văn hóa yêu khoa học, trọng khoa học trong tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ.

Các đại biểu cho rằng, truyền thông KH&CN không chỉ đơn giản là việc các nhà khoa học đề cập những kết quả nghiên cứu của mình hoặc tạo ra các sự kiện khoa học hấp dẫn, mà còn hướng đến việc tạo nhận sự ủng hộ của công chúng đối với lĩnh vực KH&CN.

Thực tế nhiều thông tin KH&CN đã được dùng làm cơ sở soạn thảo các nghị quyết, hoạch định các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ví dụ như đề án chặt hạ 6700 cây xanh ở Hà Nội năm 2015, dư luận lên tiếng phản đối với những thông tin có tính khoa học, lập luận thuyết phục đã khiến chính quyền lắng nghe, đồng thời quyết định dừng đề án này.

Hay mới đây nhất, vụ việc cháy nhà máy Rạng Đông, vụ nước Sông Đà nhiễm dầu, không khí ô nhiễm với hàm lượng bụi mịn vượt ngưỡng nguy hại tại Hà Nội... chính truyền thông đã tác động lên chính sách, là cơ sở để các cơ quan chức năng đưa ra các quyết sách đúng đắn nhất.

Truyền thông là cầu nối góp phần đưa các kết quả nghiên cứu KHCN vào cuộc sống.

Truyền thông giúp điều chỉnh chính sách cho phù hợp hơn so với thực tiễn, đồng thời giảm thiểu chi phí thời gian và tiền bạc cho quá trình hoạch định chính sách của các cơ quan Nhà nước. Thông qua truyền thông KH&CN có thể đưa ra những dự báo tác động tích cực và tiêu cực của từng phương án chính sách.

Qua truyền thông, nhiều ngành KH&CN gắn bó hơn với sản xuất và đời sống, nhiều thành tựu KH&CN được ứng dụng... Thông tin KH&CN là cơ sở, căn cứ quan trọng cho việc hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo cho các quyết sách phù hợp. Để truyền thông tốt hơn, nên tập trung truyền thông vào các lĩnh vực chuyên sâu gắn với đời sống, mời các chuyên gia thực sự có chuyên môn cao phản biện, sẽ tạo ra hiệu quả truyền thông tốt./.