Một trong những khó khăn, thách thức về công tác ứng phó với mưa lũ lớn, lũ quét, ngập lụt ở nước ta là khó dự báo được lượng mưa.

Thực tế những đợt mưa lũ lớn ở các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung trong năm nay và mấy năm gần đây cho thấy, thời tiết ngày càng cực đoan, mưa lớn bất thường, thay đổi rất mạnh theo không gian, trên cùng một xã, thôn, có nơi mưa rất to nhưng có nơi mưa nhỏ...

vov_domua_tqpr.jpg
Thùng đo mưa được gắn SIM điện thoại di động truyền dữ liệu mưa trực tuyến

Trong khi đó, hệ thống đo mưa của ngành khí tượng thủy văn còn ít do hạn chế về nguồn lực. Thời gian gần đây, nhiều địa phương đã đầu tư trang bị hệ thống đo mưa tự động, chủ động triển khai phương án ứng phó, sơ tán dân, hạn chế nhiều thiệt hại.

Năm 2015, tỉnh Bình Định đầu tư lắp đặt hệ thống trạm đo mưa tự động theo công nghệ mới, gồm 31 trạm, phủ khắp địa bàn tỉnh. Công nghệ này dựa trên nguyên lý: Nước mưa vào bình hứng được tập trung và dẫn qua phễu xuống chao lật. Khi máng đầy nước thì chao lật sang vị trí mới.

Hệ thống trạm đo mưa tự động được cập nhật trên điện thoại

Mạch điều khiển điện tử có thiết kế bộ đếm, đếm số lần lật của chao lật để tính lượng mưa, xử lý tín hiệu. Mạch có gắn SIM điện thoại di động, truyền dữ liệu mưa trực tuyến về phần mềm quản lý và truyền dữ liệu đo mưa bằng công nghệ GPRS và SMS.

Ông Phan Xuân Hải, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết: So với đo mưa thủ công thì cách đo mưa này có chi phí hợp lý, cung cấp số liệu đáp ứng tốt cho việc chỉ đạo ứng phó với bão lũ, theo dõi các hồ chứa nước, đồng thời góp phần chỉ đạo việc chống hạn.

Thời gian qua, ngành khí tượng thủy văn đã từng bước hiện đại hóa hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn nhưng do hạn chế về nguồn lực nên tốc độ phát triển lưới trạm quan trắc, nhất là các trạm đo mưa tự động rất chậm.

Tin nhắn về lượng mưa dễ dàng cập nhật trên điện thoại di động

Mật độ trạm đo mưa ở Việt Nam còn thấp so với các quốc gia phát triển. Đối với vùng núi cao, nơi có địa hình biến đổi mạnh mẽ, đầu nguồn các hệ thống sông suối, mạng lưới điểm đo mưa chưa đủ dày để đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác dự báo, nhất là cho công tác cảnh báo lũ, lũ quét và cho ứng dụng các mô hình tính toán thuỷ văn, ứng phó với biến đổi khí hậu, vận hành điều tiết các hồ chứa.

Từ thực tế này, Công ty Cổ phần tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước thành phố Đà Nẵng đã hợp tác với các tỉnh, thành và các chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện phát triển thành công mạng đo mưa chuyên dùng VRAIN với trên 300 trạm đo mưa tự động trong cả nước theo hình thức xã hội hóa.

Thùng đo mưa được gắn SIM điện thoại di động truyền dữ liệu mưa trực tuyến

Ông Văn Phú Chính, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận xét: Đặc điểm nổi bật của hệ thống này là việc quản lý và truyền dữ liệu được phát triển trên nền tảng điện toán đám mây, có đầy đủ các tính năng phục vụ yêu cầu khai thác dữ liệu trên máy tính và các thiết bị di động thông minh, tốc độ truy cập nhanh và tính ổn định cao.

Đơn vị tư vấn đã tổ chức thành mạng toàn quốc với trên 300 trạm đo mưa tự động tại 22 tỉnh, thành phố và 60 hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Hệ thống này đã phát triển ứng dụng trên điện thoại thông minh (mobile app), khi tải phần mềm này về máy, mọi người đều có thể cập nhật thông tin về lượng mưa và cảnh báo mưa, sẵn sàng ứng phó với mưa lũ lớn có thể xảy ra trên địa bàn, ông Chính cho biết.

Đơn vị thực hiện xã hội hóa Mạng đo mưa chuyên dùng VRAIN đầu tư thiết bị, vận hành hệ thống. Bên mua trả chi phí khai thác dữ liệu hàng năm với mức chi phí phù hợp. Các điểm đo mưa được đặt tại Văn phòng Ủy ban nhân dân xã, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà quản lý hồ chứa hoặc nhà cán bộ thôn, xã…; vừa giảm đáng kể được chi phí, vừa nâng cao được ý thức phòng chống thiên tai của cộng đồng.

Hệ thống trạm đo mưa Bình Định được tăng dày

Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, Mạng đo mưa chuyên dùng theo hình thức xã hội hóa này đã hình thành trên phạm vi từng tỉnh, thành và toàn quốc theo quy trình chuyên nghiệp, tuân thủ quy định của ngành khí tượng thủy văn, kịp thời xử lý nhanh các sự cố xảy ra ở các trạm đo mưa, bảo đảm hoạt động thông suốt 24/24h, đã được các cơ quan khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai ở Trung ương và các địa phương, Bộ, ngành liên quan khai thác sử dụng phục vụ cảnh báo mưa lũ, ứng phó với thiên tai, vận hành điều tiết hồ chứa…trong các đợt mưa lũ vừa qua.

Theo ông Lê Thanh Hải, mạng đo mưa này đáp ứng tốt công tác dự báo, cảnh báo về mưa lũ. Với hệ thống trạm đo mưa tự động này, thông tin về tình hình mưa được cập nhật liên tục thay vì 6 tiếng đồng hồ mới có 1 con số như trước đây. Từ đó, giúp các ngành, địa phương giám sát được tình hình mưa thực tế, cập nhật đầy đủ số liệu, phục vụ tốt cho công tác dự báo, cảnh báo tình hình sạt lở đất, ngập úng./.