Asia America Gateway (AAG) là tuyến cáp quang biển được đưa vào khai thác từ hơn 11 năm trước, vào tháng 11/2009. Có chiều dài 20.191 km, cáp AAG kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ.
Các quốc gia và vùng lãnh thổ tuyến cáp biển này đi qua gồm có Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314km, điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong (Trung Quốc), Philippines và Hoa Kỳ (Guam, Hawaii và California).
Tuyến cáp biển AAG gặp sự cố lần đầu tiên trong năm nay vào 5h40 ngày 22/6 trên nhánh S1H tại vị trí cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 102 km. Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam khi đó đã nhận định sự cố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ Internet Việt Nam đi quốc tế ở mức dưới 15% tổng dung lượng.
Sự cố ngày 22/6 trên tuyến cáp AAG đã bắt đầu được khắc phục từ ngày 2/7. Tuy vậy, trong quá trình sửa chữa, do phát hiện thêm lỗi mới ở gần vị trí cáp gặp sự cố nên thời gian sửa cáp chưa thể hoàn thành vào ngày 7/7 như lịch công bố trước đó. Vào ngày 16/7 vừa qua, các nhà mạng đã xác nhận các lỗi trên tuyến cáp AAG đã cơ bản được sửa xong từ tối ngày 12/7, khôi phục các kênh truyền trên tuyến.
Thế nhưng, sáng nay, ngày 19/7, nhiều người dùng Internet tại Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong việc truy cập các website nước ngoài, khi dùng dịch vụ Facebook, Gmail và bị giật lag lúc xem video trên YouTube.
Trao đổi với các đại diện ISP tại Việt Nam, phóng viên ICTnews được xác nhận tuyến cáp biển AAG lại tiếp tục gặp sự cố từ khoảng 4h sáng ngày 19/7. Trong lần thứ hai của năm 2021 gặp sự cố, AAG lại bị lỗi trên nhánh S1H với vị trí cáp lỗi cách trạm cập bờ Vũng Tàu của tuyến cáp này 108 km. Sự cố gây ảnh hưởng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế hướng Singapore và HongKong (Trung Quốc).
Bình luận về việc cáp biển AAG tiếp tục gặp sự cố chỉ sau 5 ngày hoàn thành khắc phục các lỗi gặp phải ngày 22/6, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho rằng, mặc dù AAG là tuyến cáp hay gặp sự cố và các nhà mạng đã quen với việc ứng phó khi tuyến này bị đứt, nhưng sự cố lần này có thể ảnh hưởng lớn hơn mọi khi.
Theo phân tích của ông Vũ Thế Bình, sở dĩ như vậy trước tiên là bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành, nhiều người dân đang phải ở nhà. Do đó, nhu cầu sử dụng Internet, sử dụng mạng xã hội sẽ tăng cao để đảm bảo nhu cầu thiết yếu về thông tin liên lạc và giao lưu xã hội.
“Chúng tôi hy vọng các nhà mạng nhanh chóng triển khai phương án dự phòng và bổ sung lưu lượng, cũng như tăng cường và phát huy các giải pháp CDN, Caching để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho người dân, đặc biệt trong tình trạng giãn cách, cách ly như hiện nay”, ông Vũ Thế Bình cho hay.
Đề cập đến đối tượng người dùng bị ảnh hưởng nhiều từ sự cố vừa xảy ra trên tuyến cáp biển AAG, vị Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam nhận định, hiện nay lưu lượng kết nối Internet đi quốc tế qua tuyến cáp AAG vẫn được nhiều nhà mạng trong nước sử dụng với tỷ lệ lớn.
“Vì thế, có lẽ sự cố lần này sẽ ảnh hưởng đến nhóm người dùng sử dụng 3G - 4G và là những người dùng các mạng xã hội lớn toàn cầu. Trong một vài ngày, người dùng trong nước sẽ cảm thấy truy cập Internet đi quốc tế bị chậm hơn trước, cho đến khi các nhà mạng bổ sung đầy đủ dung lượng đáp ứng nhu cầu thông thường”, đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam nhận xét.
Trước đó, trong các ngày 11/5 và 25/5, 2 tuyến cáp quang biển quốc tế khác là Asia Pacific Gateway (APG), Asia Africa Europe 1 (AAE-1) cũng lần lượt gặp sự cố, gây ảnh hưởng nhất định đến chất lượng dịch vụ Internet Việt Nam đi quốc tế. Trong đó, cáp APG gặp sự cố trên phân đoạn S6 cách trạm cập bờ TKO tại Hong Kong (Trung Quốc) từ 352 đến 355 km; nguyên nhân sự cố được xác định là do lỗi dò nguồn và lỗi này đã được khắc phục xong vào ngày 11/6. Còn với AAE-1, tuyến cáp biển này gặp sự cố trên đôi sợi FP10 của phân đoạn S1H.1, có vị trí cách trạm cập bờ Cape D’Aguilar, Hong Kong, Trung Quốc khoảng 2.072 km hướng về phía trạm cập bờ Vũng Tàu, Việt Nam. Nguyên nhân sự cố là do đứt sợi, công tác sửa chữa cáp AAE-1 đã hoàn thành ngày 12/7./.