Logo Apple là một trong những biểu tượng dễ nhận ra nhất trên thế giới hiện nay do mức độ phổ biến của thương hiệu này. Mọi người dễ dàng nhận ra đây là một quả táo (đúng như tên hãng) ngay từ cái nhìn đầu tiên và thường ấn tượng với góc khuyết phía bên tay phải. Bí ẩn này cuối cùng cũng đã có lời giải.
'Công dụng' của góc khuyết
Góc bị mất đi trên logo Apple được ngầm hiểu như phần khuyết do ai đó đã cắn vào quả táo. Năm 1977, Apple Computer Inc quyết định thuê công ty quảng cáo Regis McKenna để thiết kế nhận diện thương hiệu cho mình - Job Janoff, một chuyên gia thiết kế đồ họa tại công ty được giao trọng trách thiết kế logo cho Apple.
Trong một cuộc phỏng vấn với trang Forbes năm 2018, Janoff đã nhắc tới cơ hội độc đáo này bởi máy móc và một loại trái cây tự nhiên hoàn toàn là 2 thứ tương phản nhau. "Tôi chỉ muốn chiếc máy tính đem lại cảm giác dễ chịu và vui vẻ với con người", Janoff nói và nhận thấy sử dụng hình ảnh trái táo là điều cần thiết.
Khi phác thảo thiết kế, Janoff đã tạo ra ảnh in bóng một quả táo mang tính biểu tượng và gần như giống với những gì mà chúng ta đã quá quen ngày nay. Ông cũng thêm vào một vết cắn trên logo để làm rõ rằng thứ trái cây được thể hiện là một quả táo, không phải hình ảnh của loại quả nào khác (ví dụ như cherry).
Phần lõm này không những ám chỉ hình dạng của một quả táo được ai đó cắn khi ăn (như cách người ta vẫn thường ăn táo), mà còn khẳng định chính xác loại trái cây thông qua tỷ lệ được thể hiện. Giả sử vết cắn do một người lớn thực hiện, vì kích thước của trái cây này quá lớn để có thể lầm tưởng là quả cherry (thường sẽ cắn 1 nửa quả hoặc đưa hết vào miệng khi ăn).
Janoff khẳng định vết cắn mình thiết kế hoàn toàn không có ý nghĩa biểu tượng sâu xa nào khác và ông cũng không hề biết tới thuật ngữ "byte" dùng trong ngành khoa học máy tính khi thiết kế logo Apple.
Ông từng lồng phần cong của chữ "a" trong tên thương hiệu Apple vào phần lõm của biểu trưng quả táo nhưng ngày nay thiết kế gồm chữ tên hãng không còn nữa, chỉ giữ nguyên độ cong của vết cắn.
Sáu dải màu sắc khác nhau trong logo không phải các mức độ chín của trái táo mà biểu thị cho khả năng màu của chiếc Apple II, vốn là độc nhất đối với một mẫu máy tính trong tầm giá ở thời điểm đó. Tới năm 1998, Apple bỏ logo 6 màu và chuyển sang thiết kế đơn sắc dùng tới ngày nay.
Tính hợp lý về mặt nha khoa
Phần này không có trong dự tính ban đầu của Janoff mà được giải thích dưới góc độ nha khoa thực tiễn. Giả sử vết cắn trên logo Apple được thực hiện bởi một người lớn thì có thể tính ra được kích thước của trái táo tương ứng được sử dụng trong biểu trưng này.
Để biết kích thước trái táo cần biết vết cắn cỡ bao nhiêu và theo một nghiên cứu thực hiện năm 2005, chiều rộng trung bình giữa răng tiền hàm ở người Mỹ trưởng thành khoảng 36,55 mm (tính chung cả nam và nữ). Với một vết cắt có độ rộng 36,55 mm trên thân, kích thước tính được ở điểm rộng nhất trên logo Apple là 77,56 mm. Một trái táo đạt điểm thu hoạch có kích thước tiêu chuẩn từ 69,85 mm tới gần 95 mm. Như vậy, kích thước logo Apple hoàn toàn phù hợp với một trái táo trưởng thành thực tế.
Dù Janoff không nói ra, nhưng có thể chính ông đã cắn thử táo để đưa ra được tỷ lệ chính xác khi thiết kế logo Apple./.