Viện Công nghệ Seoul (Hàn Quốc) cho biết hệ thống AI mà họ đang phát triển sẽ học hỏi các mô hình hành vi tự tử nhảy cầu bằng cách phân tích dữ liệu từ camera, cảm biến và hồ sơ điều động của các dịch vụ cứu hộ kể từ tháng 4/2020. Nhà nghiên cứu chính của dự án Kim Jun-chul cho biết “Dựa trên thông tin từ nhiều giờ quay từ camera giám sát CCTV cũng như đánh giá các chi tiết như sự do dự của người đó, AI sau đó có thể dự báo tình huống nguy hiểm và ngay lập tức cảnh báo cho các đội cứu hộ”.

“Chúng tôi tin rằng camera giám sát mới sẽ cho phép các nhóm của chúng tôi phát hiện các trường hợp có ý định nhảy cầu nhanh hơn một chút và giúp chúng tôi thực hiện hành động cứu hộ kịp thời hơn”, Kim Hyeong-gil, người phụ trách Lữ đoàn Cứu hộ dưới nước Yeouido, nói với Reuters khi ông theo dõi cảnh quay dựa vào thời gian thực từ những cây cầu trên sông Hàn ở Seoul.

Nhóm của Kim đã làm việc với các nhà nghiên cứu để đưa ra công nghệ AI. Nhóm cứu hộ của Kim sẽ cùng Sở chỉ huy Thảm họa và Cháy nổ Seoul sẽ thử nghiệm công nghệ này từ tháng 10 năm nay.

Được biết, Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Dữ liệu từ chính phủ nước này cho biết, hơn 13.700 người đã tự kết liễu đời mình trong năm 2019. Chính quyền Seoul cho biết, có gần 500 vụ tự sát xảy ra mỗi năm liên quan đến 27 cây cầu trải dài trên gần 500 km chiều dài sông Hàn.

Số lượng các cuộc giải cứu tăng khoảng 30% vào năm 2020 so với năm trước, với những người tự tử phổ biến trong độ tuổi từ 20 đến 30. Một phần nguyên nhân của các vụ tự tử bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 khiến kinh tế khó khăn cũng như gian nan trong việc tìm kiếm việc làm.

Các nhà nghiên cứu của dự án AI cho biết “Hệ thống tự học các cảnh quay, từ đó có thể mang lại kết quả cải thiện bằng cách giảm đáng kể các cảnh báo sai”./.