Như đã biết, Huawei đã bị đưa vào Danh sách đen của chính phủ Mỹ vào tháng 5/2019 khiến các công ty Mỹ bị cấm kinh doanh hoặc bán sản phẩm cho nhà sản xuất smartphone đến từ Trung Quốc. Điều này ngay lập tức loại bỏ Huawei khỏi các nguồn cung quan trọng, đặc biệt là các chip xử lý như Snapdragon của Qualcomm và phần mềm như các ứng dụng và Play Services của Google. Ngay cả công ty con HiSilicon cũng bị ảnh hưởng khiến họ không thể cung cấp chip Kirin cho công ty mẹ của mình.

Theo thời gian, Huawei đã thực hiện các biện pháp để giảm thiểu tác động đến từ các lệnh trừng phạt từ Mỹ, bao gồm phát triển phần mềm và hệ sinh thái riêng để trở nên độc lập với phần mềm độc quyền của Google. Công ty thậm chí bán thương hiệu phụ Honor để họ có quyền truy cập vào tất cả các kênh mà Huawei đã bị chặn.

Giờ đây, Bloomberg báo cáo rằng Huawei sẽ áp dụng một chiến lược mới có thể giúp hoạt động kinh doanh tiêu dùng của họ tồn tại lâu hơn một chút. Theo báo cáo, Huawei sẽ cấp phép thiết kế smartphone của mình cho các công ty bên thứ ba, sau đó các công ty này sẽ bán thiết bị dưới thương hiệu riêng. Điều này sẽ cho phép Huawei vượt qua lệnh cấm của Mỹ, cho phép tiếp cận với các thành phần quan trọng và bán “điện thoại Huawei” dưới tên không phải của Huawei.

Nghe có vẻ như một chiến thuật khôn lanh nhưng điều đó sẽ khó đánh lừa được những quan chức trong chính phủ Mỹ, những người rõ ràng đang muốn loại bỏ Huawei khỏi sự tồn tại. Với việc một trong những đơn vị được cấp phép, China Postal and Telecommunications Appliances Co. (PTAC), được biết đến là đơn vị của một công ty được kiểm soát trực tiếp bởi chính phủ Trung Quốc nên cũng có thể sớm nằm trong danh sách đỏ ở Mỹ.

Chưa dừng lại ở đó, các nhà lập pháp tại Mỹ gần đây đã đưa ra đề xuất đưa Honor vào danh sách đen vì Huawei đang sử dụng công ty này như là một công cụ để vượt qua các lệnh trừng phạt. Việc cấp phép thiết kế điện thoại của mình cho các công ty có quan hệ trực tiếp với chính phủ Trung Quốc có lẽ sẽ được quan sát theo hướng tệ hơn nữa, có nghĩa chính quyền Mỹ có thể đang tìm cách cấm các công ty như PTAC tiếp cận sản phẩm và công nghệ do Mỹ sản xuất./.