Theo South China Morning Post, hải quan Trung Quốc đang triển khai hệ thống thông quan mới cho thương mại điện tử xuyên biên giới giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp trên toàn quốc từ ngày 1/7. Đây là động thái có thể thúc đẩy mô hình kinh doanh “sản xuất tại Trung Quốc, bán trên Amazon” cho thương nhân Trung Quốc.

Hệ thống thông quan cũ đang áp dụng cho hàng chục lĩnh vực được chỉ định, nhưng Tổng cục Hải quan Trung Quốc quyết định sẽ triển khai thêm trên phạm vi toàn quốc “nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, có trật tự của thương mại điện tử xuyên biên giới và giúp mở rộng các công ty Trung Quốc ra thị trường quốc tế”.

Sự thay đổi này diễn ra sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại cuộc họp chính phủ thường kỳ vào tuần trước tuyên bố phải thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới. Chính phủ đại lục khuyến khích các nhà xuất khẩu xây dựng kho hàng ở nước ngoài và tăng cường khả năng hậu cần xuyên biên giới.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, xuất khẩu thương mại điện tử của nước này đã tăng 40% vào năm 2020 so với năm trước đó, lên 1.120 tỉ nhân dân tệ (khoảng 178 tỉ USD). Mặc dù hình thức thương mại xuyên biên giới mới chỉ chiếm 6% tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng mức tăng trưởng của nó được dự đoán sẽ mạnh hơn nhiều khi mọi người trên khắp thế giới đổ xô đi mua sắm trực tuyến trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

Theo mô hình quản lý hải quan mới, nhà xuất khẩu có thể bán hàng thông qua các nền tảng thương mại điện tử như Amazon và eBay. Chỉ cần là người bán, thì họ sẽ được tạo điều kiện để nhanh chóng vận chuyển hàng hóa đến các kho hàng ở nước ngoài. Theo các nhà phân tích, đây sẽ là sự trợ giúp rất lớn cho các nhà bán hàng nhỏ lẻ. “Nó sẽ thúc đẩy xuất khẩu của các nhà bán lẻ vừa, nhỏ và siêu nhỏ”, Wu Guoxiong, Giám đốc luật hải quan của công ty luật Guanghe có trụ sở tại Thâm Quyến, nói.

Trung Quốc đã bổ sung 46 khu thí điểm mới cho “thương mại điện tử xuyên biên giới” vào năm ngoái, nhằm thúc đẩy xuất khẩu trong thời kỳ đại dịch. Các công ty trong khu vực thí điểm sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ bao gồm miễn thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa xuất khẩu bán lẻ. Ngoài ra, chính phủ còn đang khuyến khích các công ty cùng nhau xây dựng và chia sẻ các kho hàng ở nước ngoài.

Tuy nhiên, việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử nước ngoài không phải lúc nào cũng suôn sẻ với thương nhân Trung Quốc. Gần đây, Amazon đã cấm thêm ba thương hiệu Trung Quốc chuyên bán thiết bị công nghệ vì phát hiện họ đã cung cấp thẻ quà tặng cho những khách hàng sẵn sàng viết đánh giá tích cực./.