Hãng Apple cuối cùng cũng đã nhất trí nới lỏng các hạn chế về thanh toán trên kho ứng dụng App Store. Quyết định quan trọng này được Apple đưa ra trong bối cảnh hãng công nghệ này của Mỹ đang phải đối mặt các thách thức ngày càng gia tăng về mặt giám sát và pháp lý liên quan thị trường trực tuyến của Apple.
Trong một vụ kiện tập thể, các nhà phát triển ứng dụng đã cáo buộc Apple độc quyền trong thực tiễn phân phối, bằng cách vận hành một cổng duy nhất để tải ứng dụng hoặc các nội dung trên iPhone và các thiết bị khác được hỗ trợ bởi phần mềm iOS.
Để giải quyết những khúc mắc này, Apple sẽ cho phép các nhà phát triển ứng dụng thông báo với khách hàng của họ về những giải pháp thanh toán thay thế ngoài cổng chính thức là App Store.
Tuyên bố của Apple tối 26/8 nêu rõ: "Thỏa thuận này nêu rõ các nhà phát triển có thể chia sẻ các tùy chọn thanh toán với người dùng bên ngoài ứng dụng iOS; mở rộng mức giá mà nhà phát triển có thể cung cấp đối với việc đăng ký sử dụng, mua hàng trong ứng dụng và ứng dụng phải trả phí; đồng thời thiết lập một quỹ mới để hỗ trợ các nhà phát triển của Mỹ có đủ điều kiện (nhận hỗ trợ)."
Mặc dù vậy, phương án giải quyết mà Apple và các nhà phát triển đã nhất trí còn cần phải được sự chấp thuận của tòa án.
Apple phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ các nhà lập pháp và các cơ quan quản lý về những hoạt động kinh doanh của hãng này, như việc tính phí hoa hồng 30% cho mỗi giao dịch thông qua App Store.
Hồi đầu tháng này, các Thượng nghị sỹ Mỹ đã đề ra dự luật, trong đó nêu rõ sẽ là bất hợp pháp, nếu các nhà điều hành kho ứng dụng như Apple và Google yêu cầu khách hàng sử dụng hệ thống thanh toán của riêng các hãng này khi giao dịch.
Apple trước đó khẳng định rằng các chính sách trên App Store của họ xuất phát từ những lo ngại về việc bảo mật thông tin cũng như sự riêng tư của khách hàng.
iOS là hệ điều hành di động phổ biến thứ 2 trên thế giới, sau Android. Apple cho biết trong năm 2020, các thiết bị di động chạy iOS đã chi 643 tỷ USD trên kho ứng dụng.
Theo thỏa thuận nêu trên, Apple cũng sẽ cho phép các nhà phát triển đạt doanh thu ít hơn 1 triệu USD/năm từ năm 2015 đến năm 2021 có thể tiếp cận quỹ mới trị giá 100 triệu USD./.