Sáng 21/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức ngày Internet 2016 với chủ đề “Sự đóng góp của nội dung số cho nền kinh tế Internet”.

Tại diễn đàn, nhiều diễn giả nhận định, ngành nội dung số của nước ta hiện mới chỉ tập trung vào khía cạnh liên lạc, giải trí và thông tin, còn những mảng khác quan trọng không kém là giáo dục, thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức.

21_12_internet_day_rvnw.jpg
Đại biểu phát biểu tham luận tại diễn đàn,
Cụ thể, đối với doanh nghiệp Việt Nam, điều khó khăn nhất là các nhà cung cấp nước ngoài đã chiếm lĩnh được thị trường, có mặt trong rất nhiều ngành nghề của nền kinh tế.

Ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, một trong những thách thức của ngành nội dung số là làm sao tìm ra được những sản phẩm, dịch vụ có thể cạnh tranh được với những sản phẩm, dịch vụ đang có của nước ngoài.

“Yếu tố nội địa và hiểu nhu cầu người dùng sẽ là yếu tố tiên quyết trong thành công của ngành nội dung số trong nước. Doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung vào những mảng có tính chất chuyên biệt hơn như học tập, y tế”, ông Bình lưu ý.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, nền kinh tế số là bước phát triển tất yếu, phù hợp với xu thế khi nền kinh tế truyền thống đang dần bão hoà.

Trong khi đó, ứng dụng sâu rộng của công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của nền kinh tế theo hướng hiệu quả hơn, tối ưu hơn đã hình thành một nền kinh tế số không biên giới, mang lại giá trị lợi nhuận cao.

Do đó, nền kinh tế số sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi, thúc đẩy và phát triển ngành công nghiệp nội dung số thành mũi nhọn của ngành công nghệ thông tin.

“Trong thời gian tới, để tận dụng được những lợi thế của Việt Nam trong nền kinh tế số, điều cấp bách đối với các nhà mạng hiện nay là thay đổi tư duy, đẩy mạnh tốc độ phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng, tập trung tạo dựng các hệ sinh thái trên nền tảng hạ tầng, qua đó cho phép những doanh nghiệp nội dung số khác tự do sáng tạo”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết./.