Với kết quả thực hiện kết nối lần đầu tiên trên mạng di động 5G của Viettel ngày 10/5, Việt Nam đã lọt vào TOP đầu trong các quốc gia thử nghiệm thành công sớm nhất mạng 5G và theo kế hoạch, Việt Nam sẽ thương mại hóa dịch vụ này vào năm 2020. Tuy nhiên, cho đến nay vấn đề bảo đảm an ninh mạng 5G vẫn còn là nỗi lo.
Từ vị thế an ninh…
Theo thống kê của hãng công nghệ Qualcomm (Mỹ), trên phạm vi toàn cầu hiện đã có 18 mạng hoạt động và 134 mạng thử nghiệm 5G, với hơn 20 nhà cung cấp các thiết bị tại hơn 60 quốc gia. Cuộc đua giành thị phần cung cấp thiết bị cùng với sự cạnh tranh ngày càng găy gắt của các tập đoàn công nghệ tên tuổi trên thế giới như: Qualcomm, Intel (Mỹ), Ericsson (Thụy Điển) hay Huawei (Trung Quốc)...
Theo giới chuyên gia, khi công nghệ 5G đóng vai trò cơ sở hạ tầng, dịch vụ trọng yếu của mỗi quốc gia và quốc tế..., tức là tất cả mọi thứ đều được kết nối qua mạng 5G, thì mọi hoạt động xã hội mỗi nước và toàn cầu cũng chịu sự chi phối của công nghệ này thì nguy cơ mất an ninh là đáng lo ngại nhất.
Đảm bảo an ninh, an toàn mạng và quyền riêng tư cá nhân trở thành mối quan tâm cấp thiết của mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân (Ảnh: TPO) |
Nhóm các nhà khoa học tại Đại học Lorraine/INRIA (Pháp) và Đại học Dundee (Scotland) cho rằng, mạng 5G vẫn tồn tại những “lỗ hổng bảo mật”, khiến tội phạm có thể chặn 5G và truy cập lấy cắp dữ liệu. Mặt khác, bản thân cấu trúc phức tạp của mạng này cũng khiến việc bảo vệ hệ thống khó khăn hơn nhiều so với các mạng trước đó.
Theo giới phân tích, trong một xã hội “siêu kết nối” như vậy, một mối đe dọa đối với bất cứ lĩnh vực nào trong mạng lưới cũng sẽ đe dọa toàn bộ hệ thống mạng. Bởi tính phụ thuộc vào 5G càng cao thì sự rủi ro càng lớn, cho dù sự cố do vô tình hay hữu ý đều có thể gây ra thảm họa ở quy mô lớn và có tính toàn cầu.
Chẳng hạn, sự trục trặc trong điều dẫn hoạt động từ xa có thể cướp đi sinh mạng của bệnh nhân đang phẫu thuật; xe tự lái có thể gây tai nạn; thành phố thông minh, hệ thống giao thông, một nhà máy tự động hóa có nối mạng IoT bị mất điện; rò rỉ thông tin mật khiến an ninh quốc gia bị đặt vào tình huống nguy cấp...
Khi tất cả các thiết bị được kết nối thì cơ hội phá hoại cho các cuộc tấn công mạng cũng gia tăng. Vì thế, cơ quan An ninh mạng châu Âu (ENISA) đã cảnh báo mạng di động 5G có tốc độ siêu nhanh sẽ kéo theo nguy cơ rất cao về an ninh mạng.
Mỹ hiện lo ngại rằng thiết bị viễn thông Trung Quốc có thể tạo nền tảng cho tình báo, do thám của Bắc Kinh, khiến Tổng thống Mỹ D. Trump ngày 15/5 đã ký sắc lệnh cấm các tập đoàn Mỹ sử dụng trang thiết bị viễn thông của các công ty ngoại quốc bị cho là “đe dọa an ninh” Mỹ, đồng thời hối thúc các nước đồng minh nên làm theo.
Theo giới chuyên gia, những tiềm ẩn nguy cơ về an ninh mạng 5G mà tội phạm mạng có thể truy cập đó là: (1) Lấy cắp dữ liệu; (2) Kiểm soát các dịch vụ trọng yếu; (3) Phá hoại kết cấu hạ tầng; (4) Gây gián đoạn đường truyền; (5) Gây ảnh hưởng lớn về an toàn và an ninh kinh tế.
Hiện nay các nhà mạng đang sử dụng các băng tần trong khoảng 600 MHz đến 2,6 GHz, trong khi 5G cần một dải tần số cao hơn, bao gồm sóng milimet. Một số nhà mạng đã công bố tần số để triển khai mạng 5G như: 600 MHz của T-Mobile; 2,5 GHz của Verizon, 6 GHz thậm chí là 30 GHz của AT&T.
Vì thế, giới khoa học và người tiêu dùng trên thế giới nảy sinh những lo ngại về an ninh con người ở góc độ tần số siêu cao có thể tác động đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Theo giới nghiên cứu, trong 6 loại sóng, tia (hồng ngoại, ánh sáng khả kiến, tử ngoại, bức xạ ion hóa, tia X và Gamma, thì vẫn còn 4 loại cần tiếp tục làm rõ về tác hại và phương pháp hóa giải những nguy cơ đó như thế nào.
(1) Tia cực tím, hay còn gọi là tia tử ngoại (UV), có bước sóng từ 400 nm đến 10 nm, thuộc tần số 790 THz đến 30 PHz. Về cơ bản ở dải tần thấp, sẽ không là mối nguy hại nhưng ở những chỗ chuyển đổi từ bức xạ không ion hóa sang bức xạ ion hóa, vẫn có thể là nỗi lo của con người.
(2) Bức xạ ion hóa, có các hạt bức xạ chứa nhiều năng lượng, có thể phá vỡ các electron khỏi các phân tử hoặc nguyên tử và thu điện tích (âm hoặc dương). Bức xạ này sẽ gây nên các tổn thương về cấu trúc, chức năng đến phân tử sinh học của tế bào con người.
(3) Tia cực cực tím, hay còn gọi là tia X (10 nm đến 0,1 nm ở băng tần 30 PHz đến 30 Ehz), được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực chụp X quang. Mọi tần số lớn hơn dải tần của tia X đều bị ion hóa và do đó, mối nguy hại cũng được quan tâm.
(4) Tia Gamma (bước sóng nhỏ hơn 0,1 nm và tần số hơn 30 Ehz). Tia này cực kỳ gây hại nếu con người tiếp xúc trực tiếp. Đó là những quan ngại về an ninh con người mà các nhà công nghệ phải lý giải rõ ràng trước khi 5G được phổ cập trên phạm vi toàn cầu.
Mặt khác, với 5G các cuộc tấn công mạng lõi có thể nhiều và mạnh mẽ hơn với vô số thiết bị IoT bị xâm nhập. Các loại tấn công DDOS (từ chối dịch vụ) có thể xảy ra trong nhiều giai đoạn: Các tác nhân xấu tìm thấy lỗ hổng, tiêm phần mềm độc hại, bắt đầu liên lạc với các thiết bị bị xâm nhập và sau đó khi đã đạt được một khối lượng đủ lớn thì chúng bắt đầu cuộc tấn công.
Hãng sản xuất và phân phối phần mềm bảo mật ở Nga (Kaspersky Lab) đã chỉ ra 5 xu hướng tấn công mạng chủ yếu sẽ diễn ra là: (1) Tấn công mạng có chủ đích (dễ nhận biết); (2) Tấn công vào các thiết bị IoT sẽ gia tăng (khó nhận biết); (3) Sự đụng độ giữa hacker mới và cũ; (4) Tấn công vào các lỗ hổng, trên hệ điều hành iOS; và (5) Đánh cắp dữ liệu trên mạng xã hội.
Và những vấn đề được quan tâm
Một là, Với các nhà mạng 5G, việc bảo mật phải được nằm trong thiết kế mạng “nó phải là suy nghĩ đầu tiên”, đó cũng là tư duy về cách tiếp cận của các nhà khai thác mạng di động trong một thế giới 5G.
Hai là, Xây dựng chiến lược phát triển mạng 5G phải đi kèm với những biện pháp tổng thể, đồng bộ để bảo đảm an ninh mạng và bảo mật thông tin. Được biết, Đức sẽ thiết lập tiêu chuẩn bảo mật riêng cho mạng 5G; EU cũng đang xem xét những nguyên tắc nhằm buộc các doanh nghiệp dịch vụ 5G phải tôn trọng các biện pháp an ninh; Mỹ dự kiến xây dựng một mạng không dây nội bộ siêu tốc 5G…
Ba là, Các nhà khai thác mạng 5G cũng cần phải theo dõi các mối đe dọa an ninh nằm ngay bên trong mạng của họ, bằng việc sử dụng cách tiếp cận đa tầng, tương tự hiệu quả, để bảo đảm rằng các thiết bị được kết nối với mạng không có phần mềm độc hại.
Như vậy, 5G - trụ cột của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Sự thành công trong quá trình thử nghiệm mạng 5G của Việt Nam và các nước cho thấy, việc thương mại hóa dịch vụ này vào năm 2020 là có tính khả thi cao. Tuy nhiên, những nối lo về an ninh vẫn còn là vấn đề không nhỏ, khiến giới nghiên cứu, hoạch định chính sách và dư luận đặc biệt quan tâm./.
Mạng 5G: Đòi hỏi phải có những mô hình kinh doanh thông minh mới