Hệ thống tính cước trước đây được biết đến dưới tên IN (Inteligent network) và bây giờ là OCS (Online Charging System). Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, rất ít nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nuôi dưỡng ý định sản xuất hệ thống tính cước dù đây là hạ tầng quan trọng bậc nhất của mạng viễn thông, còn được biết dưới cái tên “trái tim nhà mạng”.

Gọi là “trái tim nhà mạng” bởi OCS chứa tất cả các thông tin về khách hàng, chính sách kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ của các hãng viễn thông. Trên thế giới, hầu hết các nhà mạng đều mua sản phẩm OCS từ một vài tập đoàn lớn.

Tiến sĩ Hoàng Lê Minh, nguyên Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số Việt Nam cho biết: “Việt Nam không phải là quốc gia sản xuất ra công nghệ viễn thông nên việc làm chủ các hệ thống này là cả một thách thức. Chưa có doanh nghiệp nào làm được việc này ở quy mô lớn”. Chuyên gia này cũng bổ sung: “Nếu như có một doanh nghiệp nào làm chủ được hệ thống tính cước viễn thông sẽ chủ động hơn trong vấn đề phát triển dịch vụ và tích hợp những dịch vụ mới”.

le_hoang_minh_kfpc.jpg

Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) từng nhiều năm sử dụng IN rồi OCS của các nhà cung cấp nổi tiếng thế giới nhưng các kỹ sư của Viettel luôn cảm thấy không hài lòng với hệ thống của đối tác. Lý do khá đơn giản, Viettel tăng trưởng rất nhanh (cả trong nước và quốc tế), cần sự thay đổi liên tục về gói cước, chính sách kinh doanh mà hệ thống tính cước của đối tác không đáp ứng được yêu cầu về tốc độ cũng như độ phức tạp.

Vì thế, Viettel quyết định tự phát triển hệ thống của riêng mình. Lý do như ông Tống Viết Trung – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel nói: “Mình phải làm thôi vì chỉ như vậy mới duy trì và phát triển được sức mạnh cạnh tranh của Viettel. Cứ phụ thuộc vào đối tác thì giống như bị trói chân, trói tay”.

Khởi tạo từ số 0 và cú sốc bị “người nhà” từ chối

Khi bắt tay phát triển hệ thống OCS của Viettel, nhóm dự án có 20 người do Nguyễn Hoàng Long làm Giám đốc. Thời điểm đó, chưa ai tại Viettel có kinh nghiệm làm một dự án tương tự, những thứ họ có trong tay là những kiến thức học lỏm được từ việc vận hành các hệ thống IN và OCS hay gặp trục trặc của đối tác nước ngoài. Về bản chất, 20 kỹ sư Viettel khởi tạo một dự án rất lớn từ số 0.

Trong quá trình vận hành OCS của đối tác, Nguyễn Hoàng Long và các đồng nghiệp đã tự tìm hiểu được nhiều kiến thức về cấu trúc tổng thể cũng như cấu phần chi tiết của hệ thống được coi như “trái tim của nhà mạng”. Và khi được đối tác mời sang tổng hành dinh để đào tạo về vận hành OCS, Long cùng với 5 kỹ sư Viettel khác đã tận dụng mọi cơ hội để học hỏi.

Lê Văn Hiên (một thành viên trong nhóm 6 người Viettel đi học) tiết lộ, anh choáng váng khi đối tác nói rằng “cần 2.000 kỹ sư” và “phát triển ròng rã trong 4 năm”. Tuy nhiên, cú sốc nhanh chóng qua đi khi những kỹ sư Việt Nam lao vào tìm hiểu trong 3 tháng. “Người Viettel làm được” là khẳng định của Nguyễn Hoàng Long sau khi kết thúc khóa học. Còn Lê Văn Hiên thì thấy “rất tự ái vì họ nói như thể mình không thể làm được”. Dù vậy, những kỹ sư đến từ Việt Nam hiểu rằng, họ cần chọn cách làm rất khác biệt mới có cơ hội thành công.

“Nhóm nhỏ làm việc lớn” là cách mà nhóm dự án OCS của Viettel khởi đầu năm 2011: một người có thể kiêm nhiều việc cùng lúc và không kể ngày đêm. Sau 2 năm, phiên bản OCS 1.0 ra đời với dung lượng 1 triệu thuê bao/site và được triển khai tại Đông Timor. Và 1 năm sau đó, OCS 2.0 với dung lượng 8 triệu thuê bao/site được giới thiệu.

Tuy nhiên, không giống với những hào hứng của nhóm làm dự án OCS, sản phẩm làm ra khi đưa đi đấu thầu tại Cameroon bị chính người Viettel đánh trượt khi đem so sánh với các hệ thống của đối tác lớn nhất thế giới. Chưa hết, việc bế tắc khi tìm kiếm một giải pháp đột phá đã làm nhiều thành viên dự án này stress nặng, trầm cảm và rời dự án.

Bước ngoặt với 9x và giấc mơ thành hiện thực

Bất chấp cú sốc Cameroon, nhóm dự án OCS của Viettel vẫn tiếp tục làm phiên bản 3.0. Họ tuyển thêm rất nhiều thành viên mới và team lên con số 30 người, trong đó có 80% là 9x. Nhiều thành viên thậm chí vừa mới tốt nghiệp đại học, với 10 kỹ sư nữ. Phạm Tuấn Anh, Phó giám đốc dự án OCS chia sẻ: “Chúng tôi tuyển nhiều bạn 9x vì họ rất nhiệt huyết, khả năng học hỏi và sáng tạo cao. Khi không đi theo lối mòn, kèm theo sự năng động và nhiệt huyết sẽ có khả năng tạo ra sự đột phá”.

Tháng 4/2017, hệ thống vOCS 3.0 made by Viettel đã được triển khai thành công với 90 triệu thuê bao tại Việt Nam. Hệ thống OCS mới có dung lượng hơn 24 triệu thuê bao/site – lớn nhất thế giới (dung lượng lớn nhất mà một tập đoàn thiết bị viễn thông từng triển khai thành công là 12 triệu đầu số/site). Ngoài Việt Nam, vOCS 3.0 còn được triển khai tại 5 thị trường khác do Viettel đầu tư. Hệ thống mới giúp Viettel tiết kiệm được 70 triệu USD so với việc mua của đối tác nước ngoài.

 

Tuy nhiên, điểm đặc biệt nhất mà vOCS 3.0 đem lại chính là khả năng cung cấp cho mỗi người dùng Việt một gói cước riêng biệt nhờ khả năng xử lý dữ liệu đặc biệt. Phạm Tuấn Anh, Phó giám đốc OCS Viettel tiết lộ: “Nhờ làm chủ hệ thống OCS với tính năng đặc biệt, chúng tôi sẽ đưa ra nhiều sản phẩm tiện ích phù hợp nhất với đặc tính tiêu dùng của người Việt Nam, đặc biệt là với các dịch vụ 4G”.

Trong khi đó, Nguyễn Mạnh Quý - Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công nghệ mạng Viettel (đơn vị quản lý dự án OCS) tiết lộ: Hệ thống đủ thông minh giúp cho việc dùng chung tài khoản trở nên tiện lợi. Một cá nhân có thể tùy biến trên cùng 1 sim điện thoại: khi đi làm gọi điện, nhắn tin thì tính tiền cho công ty; còn lúc về nhà sẽ tính tiền cho cá nhân….

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel tâm sự: “Khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ viễn thông, Viettel đã theo đuổi ước mơ là ‘coi mỗi khách hàng là một cá thể riêng biệt, cần được lắng nghe, cần được phục vụ một cách riêng biệt’ - tức là mỗi người một gói cước. Và đến hôm nay là 17 năm, vOCS 3.0 đã giúp Viettel thực hiện được ước mơ ấy”.

Người đứng đầu Viettel nói thêm: “Với vOCS 3.0, chúng tôi sẽ có chiến lược marketing và kinh doanh hoàn toàn khác biệt so với hàng nghìn nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên toàn cầu. Và đó chính là cơ hội cho Viettel đi ra nước ngoài mạnh mẽ hơn nữa”./.