Tại tọa đàm "An ninh mạng: Kinh nghiệm quốc tế và điều chỉnh chính sách ở Việt Nam", do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức chiều 23/3, tại Hà Nội, ông Thomas Dougherty, Cố vấn tư pháp về tội phạm mạng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Bộ Nội vụ Mỹ cho biết, trong thế giới số hiện nay, việc tấn công mạng không chỉ đơn thuần là vì góc độ cá nhân muốn khẳng định mình như trước đây. Tấn công mạng trở thành dạng tội phạm gây mất an ninh quốc gia, thiệt hại kinh tế và mất an toàn bảo mật cá nhân.

vov_2_rwtj.jpg
An ninh mạng tại Việt Nam - Bài học và kinh nghiệm từ quốc tế.

"Xung đột giữa kinh tế và an ninh, cân bằng phát triển kinh tế và chủ quyền quốc gia trong bối cảnh hiện nay trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. An ninh mạng của Chính phủ điện tử không chỉ là nguy cơ hay rủi ro, mà trở thành mối đe dọa xuyên biên giới", ông Thomas nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Thomas cũng thừa nhận rất khó có một khung chính sách cố định cho vấn đề an ninh mạng hay xây dựng một khung chính sách an ninh mạng có thể áp dụng vào mọi quốc gia. Ngay tại Mỹ, Luật An ninh mạng là một trong những luật có tốc độ điều chỉnh nhiều nhất và cập nhật thường xuyên với tốc độ thay đổi chóng mặt của công nghệ.

Cùng quan điểm, ông Eric Miller, Chủ tịch Tập đoàn Rideau Potomac Strategy - tập đoàn chuyên tư vấn về thương mại, chuỗi cung ứng và an ninh mạng cho rằng, để xã hội phát triển, cần phải có sự cân bằng giữa riêng tư cá nhân mà vẫn đảm bảo môi trường internet cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, cần có khung hình sự để xử lý tội phạm mạng một cách nghiêm khắc. Đó chính là cốt lõi hình thành các chính sách về an ninh mạng, còn việc xây dựng chính sách theo một mục đích cứng sẽ rất khó khả thi.

Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, không gian số đưa lại cơ hội vĩ đại nhưng cũng có nhiều thách thức đi kèm. Do trình độ quản lý không theo kịp nên tư tưởng "không quản được thì cấm" đã loại bỏ cơ hội phát triển rất lớn của kinh tế số và xã hội.

"Tại Việt Nam hiện nay, sự riêng tư của mỗi cá nhân chưa được quan tâm. Khi không gian mạng hình thành và phát triển, sự vi phạm riêng tư cá nhân càng trở nên rõ rệt hơn: đi khám bệnh, nói chuyện với ai, mua gì…đều lưu lại và phơi bày rất rõ ràng. Chính điều này đã tạo cơ hội cho tội phạm mạng", ông Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.

Việc lạm dụng không gian mạng để gửi tin rác, khủng bố, bới móc đời tư… đang là vấn đề lớn ở Việt Nam. Cách xử lý hiện là buộc cho các nhà mạng. Tuy nhiên, với các nhà mạng quốc tế như facebook, Google thì không thể áp dụng như vậy. "Song nếu những vấn đề mà chúng ta đưa ra nằm trong chuẩn mực chung chắc chắn sẽ được chấp nhận. Áp đặt công nghệ cho doanh nghiệp khiến chi phí phát sinh thì họ sẽ bỏ đi, hoặc hạn chế. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến Việt Nam khi đang cần kinh tế số để phát triển. Việt Nam cần hợp tác quốc tế để có những chuẩn mực chung, có năng lực thực thi và cùng chia sẻ thông tin", ông Dũng nói./.