Theo các chuyên gia, pin sạc dự phòng giá rẻ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao, gây nguy hiểm cho người sử dụng, song mặt hàng này hiện chưa ai quản lý.

chat_luong_pin_du_phong_qimc.jpg
Người tiêu dùng phải trông chờ vào “may rủi” khi mua pin sạc.
Giá rẻ giật mình
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại pin sạc dự phòng có giá chỉ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng tùy từng dung lượng. Trên trang mạng, có hàng loạt trang rao bán pin sạc dự phòng do chính hãng sản xuất, với nhiều lời quảng cáo khác nhau như: pin sạc dự phòng tuổi thọ cao, chạy tốt, bền... khiến người dùng như rơi vào “ma trận”.
Theo khảo sát của phóng viên, tại các cửa hàng phụ kiện, thiết bị điện tử ở Hà Nội, pin sạc dự phòng được bày bán vô cùng đa dạng từ mẫu mã, dung lượng đến nhà cung cấp. Phổ biến nhất là các thương hiệu: Mili Power, Anker, Xiaomi, Yoobao, Cooler Master, Enerziger… Tuy nhiên, các loại pin này đều không có nguồn gốc, xuất xứ, hướng dẫn sử dụng. Trong khi hàng trôi nổi có giá chỉ từ vài chục cho đến vài trăm nghìn thì hàng hiệu có dung lượng tương đương giá cao hơn từ 150 - 400%.
Trong vai người mua hàng, chúng tôi được chủ một cửa hàng điện tử ở Cầu Giấy giới thiệu pin sạc Xiaomi Power 10.000mAh giá chỉ 280.000 đồng/chiếc. Thấy chúng tôi ngần ngừ, chị chủ hàng nhanh nhảu đưa ra pin sạc có dung lượng 4.000mAh giá chỉ 50.000 đồng/chiếc. Khi chúng tôi hỏi, hàng này do đâu sản xuất, bảo hành như thế nào thì chủ cửa hàng cho biết, đấy là hàng Trung Quốc, được bảo hành 03 tháng tại cửa hàng.
Chia sẻ thêm với phóng viên, chủ một cửa hàng điện tử trên đường Láng cho biết, giá rẻ thì nhanh hỏng và thường không được bảo hành chính hãng.
Anh Lê Khánh Linh, chuyên gia công nghệ thông tin cho biết, pin sạc dự phòng phần lớn là các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc và tình trạng pin dự phòng giả, nhái đang rất phổ biến. Các sản phẩm pin sạc dự phòng được làm giả, nhái thường sử dụng lõi pin và mạch rất kém chất lượng. Ngoài việc không đảm bảo được dung lượng pin, chúng còn dễ bị hỏng sau vài tháng sử dụng. Những chiếc pin sạc dự phòng giá rẻ này tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Đơn cử là trường hợp ông Triệu Văn Tâm, trú ở xã Đú Xáng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã bị nát tay khi pin sạc dự phòng phát nổ.

Ai quản lý?
Đại diện Công ty TNHH Schneider Electric IT Việt Nam cho hay, pin sạc dự phòng giá thấp bán tràn lan trên thị trường không có các tính năng kiểm soát để bảo vệ cả pin lẫn thiết bị kết nối khỏi tình trạng sạc, xả quá mức, quá nhiệt, dẫn tới giảm chất lượng pin, chai pin, pin quá nóng và chảy pin. Một số pin sạc dự phòng nhái lâu không sạc sẽ chết lõi pin bên trong. Ngoài ra, những cục pin sạc dự phòng nhái thường có dung lượng rất thấp. Các loại pin sạc dự phòng giá có đầu ra 7 - 8V, cao hơn nhiều lần so với yêu cầu của các thiết bị. Nếu sử dụng lâu ngày, có thể tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, như quả bom nổ chậm có thể phát nổ bất cứ khi nào và hậu quả để lại không thể lường trước được.
Tình trạng pin sạc không có nguồn gốc xuất xứ được bán tràn lan trên thị trường không phải là mới, nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng quản lý. Theo tìm hiểu của phóng viên, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị điện và điện tử (QCVN 4:2009/BKHCN) chỉ quản lý các thiết bị điện và điện tử được nối trực tiếp hoặc qua ổ cắm đến nguồn điện hạ áp, sử dụng trong gia đình, trong thương mại và ở những nơi có mục đích sử dụng tương tự (không bao gồm các thiết bị y tế và các thiết bị viễn thông). Còn theo thông tư quy định danh mục dịch vụ viễn thông bắt buộc quản lý chất lượng của Bộ Thông tin và Truyền thông thì mặt hàng này cũng không nằm trong danh sách được quản lý.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Trường, chuyên viên của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, pin sạc dự phòng và điện thoại là mặt hàng được quản lý theo Luật Chất lượng sản phẩm và hàng hóa. Cụ thể, doanh nghiệp có quyền tự sản xuất, tự công bố chất lượng sản phẩm và đưa ra thị trường. Khi cơ quan chức năng kiểm tra nếu sản phẩm không đúng với tiêu chuẩn mà doanh nghiệp đã công bố thì doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm.
Như vậy, chất lượng sản phẩm của pin sạc hoàn toàn trông chờ vào sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa tính mạng, sức khỏe của người dùng phụ thuộc hoàn toàn vào sự “may rủi”. Nếu doanh nghiệp làm ăn chân chính, nghiêm chỉnh chấp hành luật thì sản phẩm đạt chất lượng. Ngược lại, nếu doanh nghiệp làm ăn chụp giật thì người tiêu dùng phải lĩnh hậu quả.
Trong khi trông chờ việc tuân thủ luật của doanh nghiệp cũng như sự vào cuộc của cơ quan chức năng, để người dùng không bị “tiền mất tật mang”, các chuyên gia công nghệ khuyến cáo, khi mua pin sạc dự phòng, người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm thương hiệu và nhà phân phối uy tín, ở những cửa hàng, siêu thị có tên tuổi. Trên bao bì sản phẩm có dán tem bảo hành, tem chính hãng, đặc biệt phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước khi mua, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm, cách sạc, cách sử dụng thiết bị số để đảm bảo an toàn cho bản thân và thiết bị. Người dùng nên nói không với hàng trôi nổi./.