Với gần 300 đề cử (đạt con số nhiều nhất trong 18 năm kể từ khi bắt đầu giải thưởng), năm nay đã có 180 “Ngôi sao Khuê” được vinh danh. Ban Tổ chức giải thưởng Sao Khuê cũng xét trao Top 10 Sao Khuê 2021 dựa vào các tiêu chí về doanh thu – tăng trưởng, công nghệ - sáng tạo và mức độ tác động xã hội – hiệu quả - giải quyết bài toán của cuộc sống.
Giải thưởng Sao Khuê sau 18 năm tổ chức, đến nay đã vinh danh khoảng 1.270 sản phẩm, trong đó năm 2021 là 180 sản phẩm. Với sứ mệnh “Thúc đẩy nền tảng giải pháp số - Tiên phong phát triển các hệ sinh thái số” lần đầu tiên Giải thưởng Sao Khuê năm nay đã lựa chọn thêm nhóm “Các nền tảng chuyển đổi số”. Đặc biệt, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch 5 năm Việt Nam thoát khỏi thu nhập trung bình thấp, thực hiện Chiến lược 10 năm trở thành nước thu nhập trung bình cao. Năm 2021 cũng là năm đầu tiên của khát vọng 25 năm trở thành nước phát triển hội nhập cao và bắt đầu quá trình chuyển đổi số quốc gia, nên các sản phẩm đạt giải Sao Khuê năm nay được tin tưởng sẽ tạo nên bệ phóng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số một cách toàn diện.
“Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao nỗ lực của VINASA đã tổ chức thành công giải thưởng Sao Khuê 2021 trong nhiều khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19. Đặc biệt, Ban tổ chức Sao Khuê đã nhanh chóng đưa những tiêu chí về công nghệ 4.0 và bổ sung các hạng mục chuyển đổi số vào hệ thống giải thưởng, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng như của Bộ Thông tin và Truyền thông. Các giải thưởng lớn về công nghệ số như Giải thưởng Sao Khuê sẽ là yếu tố góp phần động viên tuyên truyền tập hợp nguồn lực của toàn xã hội cùng chung sức đồng lòng thực hiện những mục tiêu chiến lược”, ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Số lượng đề cử tham gia Giải thưởng Sao Khuê năm nay đã tăng gần 60% so với năm ngoái, cho thấy cộng đồng công nghệ số ở nước ta ngày càng phát huy vai trò hạt nhân trong quá trình chuyển đổi số dựa trên các nền tảng Make in Việt Nam.
“Năm nay, số lượng các đề cử tăng lên rất nhiều và sản phẩm rất đa dạng. Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp lựa chọn các sản phẩm công nghệ đáp ứng những vấn đề nóng của Việt Nam, ví dụ như y tế. Ngoài ra, ứng dụng một số công nghệ, có thể nói là không phải mới so với những năm trước, nhưng trong lĩnh vực rất mới, ví dụ như trong lĩnh vực về vui chơi, giải trí hay là thiện nguyện. Chứng tỏ rằng việc chuyển đổi số chủ trương Made in Việt Nam đang lan tỏa rộng khắp Việt Nam. VINASA cũng đã hỗ trợ “đốt ngọn lửa Made in Việt Nam” rộng khắp lãnh thổ”, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá.
Top 10 Sao Khuê cùng với các sản phẩm thuộc 6 nhóm giải thưởng như: Các sản phẩm, giải pháp số; Các nền tảng chuyển đổi số; Các giải pháp công nghệ mới cho mọi lĩnh vực; Các sản phẩm, giải pháp khởi nghiệp số… sẽ được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) hỗ trợ, kết nối với các đối tác công nghệ, để xây dựng Hệ sinh thái Sao Khuê. Trên cơ sở đó, các sản phẩm đạt giải thưởng có thể tiếp cận với người sử dụng nhanh hơn, hình thành những hệ sinh thái số hoàn chỉnh cho người Việt, giúp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
“Cách đây 18 năm, lần đầu tiên chúng ta tổ chức lễ Sao Khuê và sau 18 năm, hôm nay chúng ta có 180 giải thưởng Sao Khuê.18 năm phát triển cực kỳ nhanh chóng hình thành một ngành công nghiệp lớn nhất quốc gia. Ngành công nghệ thông tin đã chiếm 14,3% GDP và tốc độ tăng trưởng trong suốt mấy chục năm vừa qua là 37%, năng suất lao động của ngành cao hơn 7,6 lần. Chúng ta tự hào 18 năm qua đã ghi tên Việt Nam trên bản đồ số thế giới. Ngày hôm nay, chúng ta đang bước vào một nhiệm kỳ của chuyển đổi số của những thách thức lớn đang chờ đợi chưa bao giờ Việt Nam có một cơ hội lớn như vậy, chưa bao giờ Việt Nam được xuất phát cùng một vạch với các nước tiên tiến trên thế giới”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA cho biết.
Thực hiện khát vọng chuyển đổi số dựa trên các nền tảng công nghệ Make in Việt Nam, thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực bước vào giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số sẽ tiếp tục được cơ quan quản lý Nhà nước tập trung xây dựng nhiều hơn nữa những chiến lược, chính sách phù hợp. Dự kiến, trong năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình Chính phủ ban hành các Chiến lược phát triển hạ tầng số, Chiến lược phát triển hạ tầng bưu chính số, Chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số, Chiến lược phát triển Chính phủ số, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội số, Chiến lược an toàn không gian mạng, Chiến lược chuyển đổi số ngành báo chí./.